Forums:
NGHỆ SĨ VIỆT NAM
Phạm Huy Thông
Triển lãm “Những Góc Màu” của 5 bạn trẻ Nguyễn Quang Huy, Trần Đình Hòa, Nguyễn Thùy Anh, Đàm Ngọc Vân, Bùi Thu Trang tổ chức tại quán cà phê Ozone 21b Điện Biên Phủ. Thời gian triển lãm chính thức là từ ngày 24. 2. 2014 đến ngày 2. 3. 2014. Vậy là khi bài viết này “lên sóng” thì triển lãm có lẽ cũng đã kết thúc. Nhưng tiêu chí của tôi khi viết loạt bài “Cùng đi xem triển lãm” là ghi chép các triển lãm để những ai không có điều kiện về không gian và thời gian vẫn có thể biết được.
Triển lãm của nhóm “Những Góc Màu” được bày trong một quán cà phê rất dễ thương, ngay bên hông đại sứ quán Đan Mạch. Chủ quán, người giúp đỡ các bạn trẻ không gian trưng bày miễn phí, chắc cũng là dân kiến trúc hay thiết kế gì đó, bởi cách xử lý không gian rất khéo, khiến cho một căn nhà với kết cấu ban đầu không đặc biệt, trên một mảnh đất gần như tam giác hẹp, lại trở nên rất phong cách, chỉ với vật liệu gỗ ghép không đắt tiền và các khung thép (e hèm, cũng hơi đắt tiền một chút).
Điều cuốn hút tôi nhất trong triển lãm Những Góc Màu lại không phải là những tác phẩm màu nước. Bởi thực ra công bằng mà nói, những tác phẩm thuốc nước mà các bạn trẻ bày ở đây, tuy dễ thương nhưng mới chỉ là những nồng nàn thuở đầu của một tình yêu (hy vọng) còn rất dài giữa các bạn ấy và nghệ thuật. Điều mà tôi thích thú nhất khi đến với triển lãm này là cơ hội cảm nhận được sức trẻ, được năng lượng của những các tác giả. Và hơn thế, đối với cá nhân tôi, có một đàn kỷ niệm lại ùa về khi tôi lại được nhìn thấy tôi của 10 năm về trước, cũng trẻ như những con người ở đây, cũng hăng say học vẽ, với rất nhiều sự hăng máu.
Tôi đã được dạy hai khóa sinh viên đại học với vai trò là thầy giáo chính thức, và tiếp xúc với nhiều lớp sinh viên khác với vai trò đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Nên tôi biết rằng tỉ lệ giữa chọn ra những tài năng là rất ít, hơn nữa, tài năng thiên bẩm đó lại cần được đốt nóng liên tục bằng sự say nghề và sự chăm chỉ lao động tìm tòi liên tục mới với được tới con đường chuyên nghiệp.
Tôi thấy các bạn trẻ ở đây tuy khả năng người ít người nhiều, nhưng đã cùng có một chìa khóa quan trọng là sự đam mê.
Ngoài ra, các tác giả trong Những Góc Màu, với sự trẻ trung của mình, còn dám nghĩ dám làm. Bởi tôi đã từng tư vấn cho một vài trường hợp khác, về những dự án triển lãm mà họ muốn bày. Nhưng những trường hợp đó, vì e ngại thiếu thốn cái này, sợ hãi người đời chê bai cái nọ, hoặc kén cá chọn canh cái kia, mà cuối cùng vẫn chẳng được ai biết tới (vì rốt cuộc có triển lãm đâu). Hoạt động của triển lãm Những Góc Màu rất đầy đủ lệ bộ, giấy mời thiết kế đẹp, có cả trailer trên youtube quảng bá về triển lãm, tất nhiên là có khai mạc (nghe nói rất đông), rồi có cả tọa đàm, có cả workshop, và thậm chí có cả bốc thăm trúng thưởng. Ha ha. Riêng đoạn bốc thăm trúng thưởng tặng tranh thì Phạm Huy Thông chào thua, không thể nào làm như các em được. Bởi chỉ có các em, những người chưa phải vẩn một tẹo nào những lo toan mới thi triển được chiêu đấy.
Trong buổi workshop, ba trong số các tác giả đã trực tiếp vẽ trước đám đông. Trần Đình Hòa vẽ với kỹ thuật ướt trên ướt. Nguyễn Thùy Anh sử dụng kỹ thuật dùng keo chặn màu. Các bạn vừa vẽ vừa giải thích các bước tiến hành và chia sẻ những hiểu biết liên quan của mình. (Tôi rất cay cú với kỹ thuật dùng keo chặn màu, vì khi xưa tôi chưa bao giờ thành công cả, đợt này phải nhờ vả Thùy Anh hướng dẫn lại vậy).
Để hình dung về quy mô và cách bài trí của triển lãm Những Góc Màu, các bạn có thể xem video:
Tầng 1, Tầng 2, Tầng 3
Mời các bạn xem một phần các tác phẩm trong triển lãm:
Trần Đình Hòa sử dụng mầu nước rất đậm. Vẽ mầu nước đậm không phải là dễ, và không phải ai cũng thích. Bởi người vẽ phải vứt bỏ thói quen rón rén hồi mới làm quen với chất liệu. Vẽ mầu nước đậm cũng mạo hiểm, năm ăn năm thua, tuy sẽ phát huy được hết hiệu quả của đám loang, nhưng cũng hỏng tranh lúc nào không biết. Có hai nhược điểm mà tôi nghĩ Hòa nên khắc phục, đó là việc dùng mầu đen và những mầu bẩn (do pha 2 hoặc 3 sắc mầu với nhau) làm cho tranh Hòa không giữ được độ trong của mầu nước. Mầu nước vẽ dù đậm, nhưng nếu khéo vẫn hoàn toàn vẫn giữ được độ trong, đẹp không kém vẽ mỏng. Nhược điểm thứ hai là việc sử dụng mấy chữ thư pháp giả cầy vào bố cục, làm cho tranh không đi đến đâu cả. Bởi trong các tranh mà Hòa bày trong triển lãm này, đã cho thấy việc Hòa làm chủ được chất liệu, tranh có xu hướng chuyển từ bài ghi chép sang tác phẩm sáng tác mon men có ý tứ. Nhưng mấy chữ thư pháp quốc ngữ thì không ăn nhập chút nào với những ý tứ đó cả.
(Lưu ý là: Ở Việt Nam có một nhóm các nhà thư pháp, viết thông thạo cả Hán, cả Nôm, các họa sĩ – nhà thư pháp đó cũng viết cả thư pháp chữ quốc ngữ, nhưng với một sự nghiên cứu khác, đặt trong những không gian tác phẩm, cũng như không gian hưởng thụ nghệ thuật rất khác)
Đây là bức tôi thích nhất trong triển lãm. Hòa sử dụng nhiều mầu đậm, tím-đen, nhưng khác với các tranh khác có xu hướng bị “cháy”, các mảng đậm trong tranh này vẫn giữ được tính trong trẻo đặc thù của mầu nước. Và toàn bộ bức tranh mô tả một cặp đùi của một cô gái trẻ. Chắc chắn là rất trẻ. Bởi phần đùi non của cô ấy đang ong lên trong nắng. Bức tranh đủ sức làm cho mấy “chú” họa sĩ tuổi trên dưới 40 đến xem triển lãm mà rưng rức tiếc đời.
Nhưng hượm đã. Sao tên tranh lại là “Bước hụt xuống đời”? Cô gái trẻ ngồi bên một lan can, thò chân xuống khoảng không, đung đưa như người ta đang khỏa nước, hứng lấy những vệt nắng ấm áp. Thế thì ở đây có gì là Bước hụt, có gì phải vội đối mặt với Đời. Khoảnh khắc ở đây đang được chớp lại thật đẹp, sao phải thêm vào đó những lo toan khác. Trần Đình Hòa muốn đẩy vào trong tranh mình những suy nghĩ, những ý tứ này nọ. Nhưng những ý tứ, thông điệp nếu muốn có, phải được có từ lúc mới xây dựng tác phẩm. Bởi vậy, với bức tranh này, tôi đặt riêng cho tôi một cái tên “Khỏa chân trong nắng”. Bởi cảm xúc khi đã tinh khôi thì không nên đeo thêm một tư tưởng nào hết.
Thùy Anh sử dụng mầu đủ độ, bên cạnh đó, rất biết khai thác các khoảng trắng của giấy, qua cả hai cách là chừa giấy tự nhiên hoặc dùng keo chặn. Thùy Anh cũng biết sử dụng các kỹ thuật loang mầu, để cho những khối vờn sẽ được vờn tự nhiên, không phải chuyển bằng bút. Nhưng vẫn còn trong tranh của Thùy Anh những chút lo lắng, căng thẳng khi phải giải quyết những chỗ trọng yếu. Bởi vậy nếu má của em bé ở “Trong đôi mắt trong” được xử lý ngọt nước, thì các khối chuyển trên mặt của em bé ở “Đôi Mắt Hà Giang” lại bị hụt tay, thành ra bị gò và chuyển nông sâu theo kiểu “ruộng bậc thang”.
Bùi Thu Trang là tác giả trẻ nhất, dễ thương nhất triển lãm. Tranh của Trang đương nhiên còn nhiều non nớt về cả đề tài và kỹ năng. Nhưng chuyện đó thì luôn cần thời gian. Tôi thấy thú vị khi quan sát kỹ một bức tranh của em và thấy có rất nhiều chữ ký. Trước tiên là một chữ ký theo chữ ký thông thường, rồi chữ ký đó được cạo đi, thay bằng một chữ ký “B.Trang” viết theo kiểu lật ngược, chỉ có thể đọc chuẩn khi soi vào gương. Xem chừng rất nguy hiểm. Và một chữ ký nữa rất loằng ngoằng đề là Cánh Cụt Biết Bay, tức là biệt hiệu của em. Những động thái trẻ con này giống hệt tôi những ngày đầu mới theo các thầy các anh đi vẽ ngoài trời. Cũng khao khát tìm được cách khẳng định tên tuổi mình qua việc tìm tòi sáng tạo các… chữ ký.
Các tác giả trong triển lãm đều không theo học những trường chuyên về sáng tác tranh tượng, bởi vậy rất khó nói liệu các em còn giữ được những hoạt động này bao lâu, trước khi những lo toan của những chuyên môn chính tràn vào chiếm hết thời gian của các em. Tuy nhiên dù sau này đi theo hướng nào, thì chắc các em sẽ vẫn rất tự hào về những việc mình đã làm, những ngọn lửa mình đã thắp khi còn son trẻ. Mà ngẫm lại, việc sáng tạo nghệ thuật, sướng nhất vẫn là những cảm giác khi được vẽ để thỏa mãn chính mình.
Hà Nội, một tháng mưa ướt trên ướt.
Phạm Huy Thông
Tái bút: Nhắc các em thêm một việc nữa. Khi bày tranh thì phải ghi kích thước tác phẩm theo đúng thông lệ là chiều cao trước rồi mới đến chiều ngang. Đó là thông lệ quốc tế, để mình có gửi tranh sang tận chân trời nào thì người ta cũng biết đường mà treo giùm mình.