PHẬT GIÁO QUANH TA: AO NGÒI Ở TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC

PHẬT GIÁO QUA TRANH

Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở 
Tây Phương Cực Lạc

Diệu Vợi tổng hợp

 

Lần trước nhân có một bạn gửi một bức tranh diễn tả cảnh Tây phương Cực lạc, hỏi một số chi tiết tranh, mình bèn đi tìm tài liệu. Việc này vậy mà cuối cùng rất là rắc rối, giờ mới có bài. Vì nhiều chi tiết, nên xin đi thành nhiều bài. Có nhiều thông tin bất nhất, chi tiết không tường, rất mong mọi người cùng vào góp. Hình to, các bạn bấm thẳng vào hình để xem cho rõ hơn.

 

Đức Phật Thích Ca từng giảng cho ông A Nan (một người em họ, đồng thời là một đệ tử thân thiết nhất, hay thắc mắc và hay bị mắng nhất) về cõi Tây Phương Cực Lạc (thuộc quyền quản lý của Phật A Di Đà):

Từ cõi Ta bà này hướng về cõi Tây, hơn muôn muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực lạc hay Tịnh độ. Ở nơi đó, Đức Phật A Di Đà thường hay thuyết pháp để hóa độ chúng sinh.

Phong cảnh ở đây vô cùng đẹp đẽ, sáng lạn vui tươi và khi nhìn chung quanh chẳng khác chi là một vườn hoa vĩ đại với những hàng cây ngay ngắn. Những tường hoa, những dây leo rũ xuống như màu gấm, như lụa là và kèm theo những hồ nước chứa đầy những thứ nước có tâm công đức.

Đặc biệt đáy hồ lát bằng cát vàng và bao quanh bằng những hoa sen lớn bằng bánh xe với đủ màu sắc có hương thơm tỏa ngát và hào quang tỏa ra tuyệt đẹp. Hễ hoa sen màu xanh thì phát ra hào quang xanh. Hoa màu trắng thì phát ra màu trắng. Còn hoa màu hồng thì phát ra hào quang màu hồng.

Thêm nữa, đền đài, điện các ở cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc vàng châu báu. Thật là hiếm có.

Còn nói về chim chóc ở đây thì toàn là những thứ chim quý chẳng hạn như bạch hạc, khổng tước, anh võ…Những loài chim này lúc này cũng hót ra những tiếng pháp vi diệu để hòa lẫn trong những điệu nhạc thiêng liêng làm cho bất cứ ai khi nghe đến cũng đều pháp tâm hoan hỷ niệm Phật. Các loài chim này do chính Đức Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp cho chúng sinh nghe. Ở cõi Tây phương này thì không bao giờ có màn đêm bởi vì hào quang của Đức Phật phát ra vô tận.”

*
Đầu tiên, trong bức tranh, là ba vị cai quản cõi Tây Phương Cực Lạc. Đó là:


Đức Phật A Di Đà cùng bồ tát Quán Thế Âm (bên trái, tay cầm cành dương liễu) và bồ tát Đại Thế Chí (bên phải, tay cầm hoa sen mới nở) là ba vị cai quản Tây Phương Cực Lạc.Đừng nhầm Phật A Di Đà với Phật Thích Ca nhé các bạn. Cả hai trông rất giống nhau, nhưng Phật A Di Đà thường là mặc cà sa đỏ (màu của mặt trời cõi tây), mắt nhìn xuống, thường có hai bồ tát nói trên đi kèm.

 

Về từng vị, lại xin có bài riêng sau, các bạn tạm nắm “ban lãnh đạo” là thế đã.

Về “cơ sở hạ tầng”, Tây Phương Cực Lạc có hệ thống ao, đường xá, lầu các, cây xanh… Đầu tiên xin đi vào hệ thống ao, ngòi, vốn là nổi bật và có lẽ căn bản ở phương trời này.

*

Ở Tây Phương Cực Lạc, đâu đâu cũng có ao.


Một góc ao sen bảy báu. Chi tiết trên mandala.

Nhìn trên các hình nói chung sẽ thấy các ao có vẻ bé, nhưng theo kinh Vô Lượng Thọ thì ao nhỏ có, to có, từ mười do tuần, tới hàng ngàn do tuần (do tuần là đơn vị đo cổ của Ấn Độ, khoảng 15-20km).


Trên tranh này thì ao ở Tây Phương Cực Lạc đúng là to bằng biển.

Giữa các ao có các lạch thông nhau. Các ao có thành và đáy bằng thất bảo (bảy loại đá quý: vàng, bạc, mã não, san hô, hổ phách, ngọc lưu ly, ngọc trai). Nếu ao bằng vàng thì đáy ao bằng bạc. Nếu ao bằng bạc thì đáy là cát vàng. Nếu ao thủy tinh thì đáy là cát lưu ly; nếu là ao lưu ly thì đáy là cát thủy tinh; Nếu ao bằng san hô thì đáy là cát hổ phách; nếu ao bằng hổ phách thì đáy là cát san hô; Nếu ao bằng ngọc trai thì đáy là cát hổ phách; nếu ao bằng hổ phách thì đáy là cát ngọc trai… Các nhóm vật liệu quý ấy còn thay đổi tùy theo ý muốn người xuống tắm; có thể kết hợp hai, ba, bốn…, đến bảy loại vật liệu cho một ao, tùy gu.


Sen có bốn màu

Cũng nhìn trên tranh thì hoa sen to vừa thôi, ít cánh. Phật Thích Ca nói hoa to bằng bánh xe. Nhưng có nguồn nói trong mỗi ao có sáu mươi ức (một ức = 100 triệu?) hoa sen bằng thất bảo, có cả ngàn cánh. Mỗi bông tròn lớn tới 12 do tuần (tức khoảng 200km một bông), rực rỡ tỏa màu quý giá.

 Kinh Vô Lượng Thọ (có chú giải) thì tả trong ao, “hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đàm Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Phân Đà Lợi nhiều màu tỏa sáng rạng ngời, phủ kín mặt nước“.

Ưu Bát La Hán tức sen xanh, Bát Ðàm Ma là sen hồng, Câu Mâu Ðầu là sen vàng, còn Phân Ðà Lợi là sen trắng.

Có nguồn lại tả hoa sen trong ao to như bánh xe, sen xanh thì tỏa ánh sáng xanh, sen vàng tỏa ánh sáng vàng, sen đỏ tỏa ánh sáng đỏ, sen trắng tỏa ánh sáng trắng (tóm lại như chiếu đèn?), và có loại hoa tỏa ánh sáng hỗn hợp, chói rực. Các loại sen mọc kín khắp mặt nước (như vậy rất khác trong tranh, phải không các bạn?)


Hoa sen ở cõi Tây Phương, trong ao nước cam lồ. Tranh của dân gian.


Nước có tám công đức

Trong ao chứa đầy bát công đức thủy – nước tám công đức (có phải là nước cam lồ mà Quan Âm Bồ tát vẫn luôn luôn mang theo một bình?). Goi là bát công đức vì nước này có tám đặc tính sau:

1. Lặng sạch 
2. Trong mát
3. Ngon ngọt
4. Mềm, nhẹ
5. Trơn láng
6. An hòa
7. Uống vào trừ được đói khát, hết khổ sở
8. Uống xong điều hòa được các căn, tiêu trừ các bệnh, được nhiều phước thọ.

Nước bát công đức có màu thất bảo, lên xuống theo cọng sen, chảy luồn vào cánh hoa, khiến cho từ các cánh hoa phát ra tiếng thuyết pháp. Sau đó nước lại theo cọng sen chảy xuống ao. Có người nói nước ao còn lên cả bờ, chảy lên xuống dọc theo các cây báu quanh ao, từ đây không những phát ra những lời thuyết pháp, mà còn nói về sự mê vọng của chúng sinh, công đức của Bồ tát, hoặc giảng về tam thân của Phật… Tóm lại là giống một hệ thống phát thanh công, với đường truyền là nước bát công đức.


Vừa tắm trong dòng “bát công đức thủy”, vừa nghe tiếng thuyết pháp từ dòng nước, từ những cánh hoa sen. Chi tiết trong Mandala.

 

Ao có khả năng điều tiết như ý

Ao ở cõi Tây Phương có đặc điểm là thay đổi tùy theo tâm ý người tắm. Người xuống ao tắm nếu muốn nước ngập chân, nước sẽ chỉ ngập chân, nếu muốn nước đến bụng, nước sẽ ngang bụng; muốn nước đến cổ, nước ngập cao đến cổ. Lại còn ấm mát điều hòa, dòng chảy nhanh chậm tùy ý thích. Tắm xong, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái, tâm thần vui vẻ, sáng suốt.


Liên hoa hóa sanh

Nhưng ao bảy báu, nước bát công đức, sen bốn màu không phải chỉ để trưng, hay để thuyết pháp cho người tắm, mà tại đây diễn ra một họat động lớn của Tây Phương Cực Lạc: liên hoa hóa sanh. Phần này khá phức tạp và hấp dẫn, xin hẹn các bạn vào kỳ sau, sau khi đã điểm qua các chi tiết khác của cõi Tây Phương nhé.

Xin nhắc lại, đây toàn là những thứ góp nhặt trên mạng, kiến thức căn bổn tự thân của Diệu Vợi là con số 0. Cho nên nếu bạn nào có thêm tranh, thêm thông tin, thì góp vào nhé, để sau này xem tranh có vẽ những cảnh này còn có cái mà phân tích cho vui.

 

*

Bài về Phật giáo:

- Phật giáo qua tranh: Chọn trung đạo, đến dưới cây bồ đề    
- Phật giáo qua tranh: Thần Đất, con gái Ma Vương… phe nào cũng lộng lẫy
    
- Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?
   
- Từ nữ thần Đất đến ông Địa: Có liên quan hay là không liên quan?
 
- Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở Tây Phương Cực Lạc