SUTHERLAND HỌA SĨ BẬC THẦY VỀ TRANH TÂN LÃNG MẠN

 






















GRAHAM VIVIAN SUTHERLAND - Phong cảnh đền

Cách đây 60 năm, có một họa sĩ người Anh đã làm cả thế giới phải kinh ngạc bởi những ý tưởng độc đáo và kỳ quái chưa từng thấy. Không chỉ vậy, ông còn có số lượng tác phẩm đồ sộ trưng bày trên khắp nước Anh và người ta thường biết đến tên ông nhiều hơn là về dung mạo (mặc dù ông rất đẹp trai). Sự nổi tiếng của người họa sĩ này đến nỗi: Nếu ai đó muốn được ông vẽ, chưa cần biết phải trả thù lao bao nhiêu cho bức tranh, chỉ cần chữ ký của ông trên tranh đã phải tốn hàng nghìn đô la. Đó chính là Graham Vivian Sutherland.

Là một họa sĩ siêu thực kỳ tài nhất của Anh và thế giới thế kỷ 20, G. V. Sutherland có những sáng tác về tranh phong cảnh, tĩnh vật và chân dung đến nay vẫn khiến giới phê bình phải "điên đầu" để tìm ra được lời giải đáp bởi chúng quá giàu trí tưởng tượng và hiện giờ chưa ai địch nổi. Tuy không qua trường lớp, song ông lại là bậc thầy về trường phái tranh tân- lãng mạn và người mở đầu cho trào lưu hình tượng của Anh bao gồm các họa sĩ Bacon, Freud, Auerbach, Andrews và Hockney...

Họa sĩ sinh ngày 24 tháng 8 năm 1903 tại thủ đô London -Anh, trong một gia đình tư sản danh tiếng. Lúc đầu, ông có ý định làm kỹ sư nên đã học nghề này ở trường đại học Epsom và thử việc một năm tại một công ty đường sắt song sau đó vì yêu mỹ thuật, ông đã bỏ nghề, đi học in khắc tại một trường mỹ thuật. Bằng cái nhìn khác người, ngay từ các sáng tác đầu tay, ông đã thể hiện một năng khiếu thiên tài với những nét phác họa trừu tượng về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hoặc đồng quê mát rượi và sau này định hình rõ rệt qua nhiều họa phẩm nổi tiếng.

Buổi đầu, G. V. Sutherland cũng học tập các họa sĩ phong cảnh lãng mạn thế kỷ 18-19 như William Blake và Samuel Palmer, tuy nhiên ông đã nhanh chóng tìm được cho mình một con đường riêng để thể hiện trí tưởng tượng vô địch. Dựa trên những phong cảnh có thực, những nơi đã qua hoặc từng ở chơi lâu ngày như Kent, West Middlands, Derbyshire của Anh, đặc biệt là bờ biển Pembrokeshire xứ Wales và miền nam nước Pháp..., từ những vật có thật, hết sức quen thuộc và giản dị như những cái cây, cái rễ, cái cành, viên đá, con đường... song bằng sự liên tưởng đi trước thời đại, họa sĩ đã nhìn nhận chúng hoàn toàn khác lạ, không phải là những vật có hình thù cố định nằm yên mà là những vật có hình thù biến đổi quái dị tùy theo góc nhìn hoặc mang dáng vóc của người và có thể đi lại sống động. Khác với cảnh trí thông thường, cảnh sắc ở đây vừa tối tăm vừa huyền bí, đứng giữa ranh giới thực và ảo. Không có gì rõ rệt như một cuộn phim quay cảnh trôi và biến hóa không ngừng. Thường thấy trong tranh nhiều vật kỳ cục và ma quái, vặn xoắn vào nhau, đè nén, giằng co quyết liệt, trong đó có những cái cây trơ cành- cụt lủn và các cành cây nhọn hoắt như những cái sừng bò, trên thân chi chít những hang hốc như những ô cửa tối om, tương tự là những hòn đá - ụ đất mang hình con thú đang sống dậy, những cánh đồng- con đường- dòng sông uốn mình uể oải chia thành các chẽ thô cục cùng đó là bầu trời mặt đất sít sịt do vầng dương, các tia nắng, vì sao... được phóng đại quá cỡ. Tất cả méo mó, nhằng nhịt trên một nền chua thé hoặc vô cùng ảm đạm. Để có hiệu ứng này, họa sĩ thường vẽ cảnh từ trên cao và dưới sâu. Ngay từ năm 1935 khi bước vào hội họa, ông đã dùng màu vàng và cam chói để vẽ trên giấy xám và viền những vật tối bằng những đường đen cho nó nổi bật, gợi lên xúc cảm u buồn, thậm chí là nỗi sợ hãi, lo lắng. Phần lớn cảnh sắc trong tranh đều diễn tả đang hoặc sắp có điềm xấu xảy ra. Ví dụ ở bức tranh Xứ Wales với con đường vàng, mặt trời sà xuống thấp chiếu qua đám mây đen kìn kịt những tia nắng vàng chói lọi, đậm và dài thượt như một sức nóng vô cực xuống con đường và khiến nó (không hiểu xưa có màu gì) biến thành một dòng nước vàng cháy bỏng nhào qua các sườn núi và cánh đồng ngô sầm tối. Phong cảnh cứ như đang kể về một điều chết chóc, tàn úa mặc dù ở đâu đó sự hồi sinh trỗi lên qua một số điểm xanh, hồng, đỏ mờ nhạt. Ở bức tranh Sự tàn phá, thành phố bị hủy diệt. Khắp nơi đầy gạch ngói, đá vỡ trộn lẫn. Trong các nhà máy giấy bị cháy các kiện hàng hóa than đứng sừng sững như những khối đá. Những ngôi nhà nứt toác, những con phố điêu tàn trong đêm và các rầm cầu trơ mình trắng xóa như một bộ xương cá voi. Ở bức tranh Mỏ than, hầm mỏ ngoác miệng đen ngòm, nhe răng như cánh cửa bước vào địa ngục giận dữ và quanh đó những khối đá hiện lên những đường nét giống mặt người đau khổ. Ở bức tranh Nghiên cứu về núi, ngọn núi sưng phồng và phun ra những dòng nham thạch đỏ tựa máu. 

GRAHAM VIVIAN SUTHERLAND - Những vật dụng


Để hiểu tranh G. V. Sutherland, có lẽ trước tiên cần hiểu về cuộc đời họa sĩ. Ông là một người sống hết sức nội tâm, rụt rè và nó đã ảnh hưởng đến phần lớn các sáng tác giàu trí tưởng tượng của ông. Năm 24 tuổi, ông kết hôn với người bạn học đầu tiên cũng là người quen biết lâu nhất là bà Kathleen Barry- một nhà thiết kế thời trang. Hai người sinh được một đứa con trai song chỉ vài ngày sau thì con chết. Vì buồn đau, họ đã đi du lịch nhiều nơi và sau đó không sinh được thêm trẻ nào. Vào năm 1928, khi du ngoạn ở Kent một vùng ngoại vi xanh tươi phía đông nam London, họa sĩ đã có những nhìn nhận đầy chất bi thương và huyền bí. Trước đó, do ảnh hưởng cái chết của con, ông đã có nhìn nhận khác lạ so với người, và đến giờ thì càng đậm chất thần bí. Năm 1925, trong bức tranh Cray Field ông đã phóng đại các tia nắng xuyên qua hàng cây lưa thưa để trở thành các luồng sáng chói lọi và trước vầng mặt trời nóng bỏng đỏ cây cối đều ở rùng mình bàng hoàng- nó dự báo một điều gì đó nguy hiểm. Đến năm 1930, ở bức tranh Đồng quê mọi cây cối đều oằn mình cúi rạp với vẻ cổ lão với những hốc hang và tán lá đổ bóng u ám đầy kịch tính như thể những sinh vật thù địch.

Đầu các năm 1930, do suy thoái kinh tế, thị trường in trì trệ, không thể đảm bảo cuộc sống, ông liền chuyển từ in sang vẽ tranh. Đồng thời, ông cũng đi dạy thêm ở nhiều nơi và thiết kế tờ rơi, trang phục, đồ sành sứ, minh họa sách... kiếm thêm thu nhập. Năm 1934, trong một lần đến thăm Pembrokeshire một vùng biên giới của Wales, ông đã bị choáng ngợp trước phong cảnh phi thường của bãi biển- nơi có đất đai khắc nghiệt, nhiều gió bão mà chỉ có những sinh vật gan góc mới trụ nổi. Và kể từ đây bắt đầu làm họa sĩ với một nghiên cứu cả đời về sự đấu tranh của mỗi sinh vật trước các thế lực thiên nhiên thô bạo. Trong đó nhiều vật phải biến dạng trở thành những hình thù quái dị, bất ổn và là hậu quả của sự căng thẳng dưới áp lực tăng trưởng. Năm 1936, họa sĩ có triển lãm đầu tay về chủ đề này tại triển lãm tranh siêu thực quốc tế - London. Năm 1967, ông trở lại Pembrokeshire và một lần nữa bị cuốn hút bởi phong cảnh nơi đây cho đến tận khi mất.

Từ năm 1940-45, G. V. Sutherland được cử làm họa sĩ chiến tranh tại Anh trong đại thế chiến thứ II, mà chủ đề là mọi thứ liên quan đến cuộc chiến tàn khốc, từ những nhà máy hoang phế đến các mỏ than, thiếc đá chổng trơ, các trận oanh tạc dữ dội... và dùng những màu đậm, lạnh, thậm chí đen tối để phản ánh hiện tượng này. Sau chiến tranh, ông tập trung vẽ tranh về những cây có sừng- một biểu trưng ám ảnh về sự hung ác.

Cùng với tranh cảnh vật, họa sĩ cũng vẽ tranh tôn giáo. Ví dụ bức tranh Chúa trên cây thánh giá năm 1946 cho nhà thờ St Mathew ở Northampton và bức thảm Chúa vinh quang năm 1962 cho nhà thờ Coventry, cao bằng cả tòa nhà mà phải mất 10 năm mới hoàn thiện.

Từ năm 1949 đến giữa các năm 1950, ông chuyển sang vẽ chân dung trong đó tranh văn hào Anh Somerset Maugham năm 1949 là bức tranh đầu tiên và nổi tiếng nhất. Bức tranh nổi tiếng thứ hai là tranh Thủ tướng Anh Winston Churchill (1954) và họa phẩm đã bị chính phu nhân của vị thủ tướng tìm cách phá hủy. Ngoài vòng quanh nước Anh, mỗi năm ông cũng sang Pháp khoảng sáu tháng vẽ tranh.

Năm 1960, họa sĩ được trao danh hiệu Cống hiến và năm 1972 là hội viên viện mỹ thuật và ký tự Mỹ. Vào ngày 17 tháng 2 năm 1980, ông đã qua đời tại quê nhà.

GRAHAM VIVIAN SUTHERLAND - Xứ Wales với con đường vàng


Nhìn chung, họa sĩ G. V. Sutherland đã ổn định phong cách từ sớm và không mấy thay đổi trong suốt sự nghiệp. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian để vẽ Wales và nhiều vùng đất của Anh, với những ngọn đồi tối, những vầng mặt trời đang chết dần, những con đường vắng lặng và sau hàng chục năm xa cách vẫn tìm về Wales như một niềm đam mê, như thể ông chưa từng đi đâu.

Mỗi bức tranh của G. V. Sutherland đều trải qua một xê ri của nhiều nhận thức và chắp ghép cầu kỳ. Đầu tiên, họa sĩ phác thảo mọi thứ từ những khối đá, những vết nứt, những ngọn thác, những thân cây... Rồi vẽ chi tiết hơn ở các góc độ và cuối cùng điền màu. Sau đó ông về xưởng một lần nữa nhào nặn thành tác phẩm hoàn chỉnh. Bức tranh do đó là sự hội đủ của nhiều lần đứt quãng, đổi góc, chấm, gạch, phủ, bóng... với sự bền bỉ, kỹ lưỡng và chính xác của người thợ khắc.

Trong các kiệt tác của họa sĩ, nổi bật phải kể đến bức tranh Phong cảnh đen (1939-40) khắc họa phong cảnh xứ Wales đồng thời là tâm trạng hoang mang của ông trước mối đe dọa của chiến tranh thế giới. Cả cái tên lẫn nội dung của tranh dưới hiệu ứng ánh sáng nhạt nhòa báo hiệu bạo lực sắp xảy ra. Hơn thế, các vật có trong tự nhiên như các cành cây, rễ cây đều trở thành những hình nhân hiểm ác. Những khối đá xa xa nhô cao như một thế lực thù địch. Bức tranh phản ánh hơi thở của chiến tranh và những vấn đề nóng bỏng quốc gia. Hoặc như bức tranh Những vật đứng II ra đời năm 1952 với các hình thù vốn dĩ là rễ cây, thân cây song đã hóa thành người, biểu thị sự căng thẳng giữa hai mặt đối lập: đẹp và xấu, thân thiện và thù hằn.

Xem G.V. Sutherland, người ta thường nghĩ đến Francis Bacon, người bạn cũng là một học trò của ông. Cả hai người có những nét tương đồng khi khắc họa nỗi đau, sự kỳ quái và quằn quại của đối tượng song ở Sutherland là cảnh vật còn Bacon là con người. Mặc dù thể hiện khác biệt như Sutherland chuyên về nội tâm, Bacon thì hướng ngoại; Sutherland làm việc đối mặt với thiên nhiên, Bacon dựa trên ngẫu tác... Song họ đều có những khám phá tuyệt vời, ngay từ buổi đầu đã được xem là độc đáo khó tả.

Hôm nay, do hiệu ứng nóng lên toàn cầu, sự biến đổi môi trường và nội chiến liên miên, tranh của G.V. Sutherland càng chứng tỏ tầm quan trọng khi thể hiện được sự đấu tranh, vật lộn của tự nhiên vì sống còn trên toàn trái đất. Tranh của ông được treo khắp nước Anh và mỗi lần xem là một lần người ta xuýt xoa khen ngợi.

Để tưởng nhớ người họa sĩ kỳ tài, nhiều trường mỹ thuật trong đó có trường mỹ thuật và thiết kế Coventry- nơi ông từng học đồ họa đã đặt tên các sảnh, giáo đường là sảnh G.V. Sutherland. Và mới đây người ta đã dựng một vở kịch truyền thanh dựa trên bức tranh chân dung vẽ Winston Churchill của họa sĩ.

Chu Mạnh Cường