TÌM HIỂU MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM CHUYẾN THAM QUAN NGHIÊN CỨU TẠI HÀ NỘI

 


 

 

 

LÊ QUẢNG HÀ - Chủ nghĩa Darwin thoái hóa




Chương trình đào tạo Thạc sĩ Lịch sử Mỹ thuật châu Á có qui định là mỗi học viên phải có một chuyến thăm quan thực tế tới một nước trong khu vực. Việc này nhằm tìm hiểu những cách thức mà môi trường văn hóa-xã hội tác động đến các sáng tác mỹ thuật đồng thời cũng nhằm tạo cơ hội liên hệ, kết nối với cộng đồng mỹ thuật của nước chủ nhà. Nhóm nghiên cứu sinh khóa 2012 có chuyến thăm quan thực tế và đã tới Hà Nội, Việt Nam. Chuyến đi diễn ra từ 6 -10 tháng 6 năm 2013.

Durriya Dohadwala, một trong số những nghiên cứu sinh của khóa đào tạo Thạc sĩ Lịch sử Mỹ thuật Á châu, Trường Đại học Nghệ thuật Lasalle (LASALLE College of the Arts), Singapore, khóa 2012, đã viết tóm tắt bản nhận xét dưới đây của chị sau chuyến thăm quan nghiên cứu của Đoàn nghiên cứu sinh tại Hà Nội.

 

Nhóm chúng tôi gồm 9 thành viên (6 nghiên cứu sinh và 3 giảng viên) tới thủ đô của Việt Nam vào một buổi sáng thứ năm... sẵn sàng chịu đựng cái nóng và ẩm của mùa hè Hà Nội. Chuyến dã ngoại đầu tiên là tới thăm một không gian mỹ thuật được cho là “cởi mở và đổi mới” của Hà Nội biểu tượng của thành phố, đó là Salon Natasha, và gặp TS Natalie Kraevskaia chủ nhân của phòng tranh. TS Kraevskaia đã tới Việt Nam cách đây gần 30 năm và ở lại Việt Nam sau khi bà kết hôn với ông Vũ Dân Tân; 1 họa sĩ tiên phong trong mỹ thuật đương đại của Việt Nam. Salon này, đồng thời cũng là nhà riêng của hai ông bà, đã tạo nên một không gian văn hóa phù hợp cho các họa sĩ Hà Nội sau "Đổi Mới" vào đầu những năm 1990. Mặc dù giờ đây Salon không còn là một không gian mỹ thuật nữa mà chỉ là nhà riêng và văn phòng của TS Kraevskaia, nhưng trên những bức tường vẫn còn treo la liệt những tác phẩm điển hình của họa sĩ Vũ Dân Tân từ những năm 1980 cho đến ngày ông qua đời năm 2009. 



NGUYỄN THẾ SƠN - Nhà mặt phố


Những tác phẩm khái niệm chủ nghĩa của ông được sáng tác bằng những chất liệu tìm kiếm được như bìa các-tông, hộp thuốc lá… và đề cập đến những vấn đề có tính chất chính trị và xã hội của Việt Nam. Bên những chén trà tưởng như bất tận, TS Kraevskaia cho chúng tôi biết về bối cảnh mỹ thuật đương đại của Việt Nam (cả chính thức lẫn không chính thức), và vai trò của Salon trong việc thúc đẩy mỹ thuật đương đại Việt Nam trong những ngày khởi đầu thời kỳ Đổi Mới và cả những vấn đề về kiểm duyệt nữa. Chúng tôi kết thúc buổi tối hôm đó bằng một bữa tối tuyệt vời tại một nhà hàng cơm Việt ở Khu phố Cổ của Hà Nội và một cuộc đi dạo cùng nhau quanh hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng của thủ đô.

Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu ngày làm việc bằng chuyến thăm Viện Goethe. Trung tâm Văn hóa Đức mở văn phòng hoạt động ở Hà Nội năm 1997 và từ đó đến nay trung tâm này vẫn là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Viện đã tài trợ cho nhiều cuộc triển lãm nhằm mục đích khuyến khích những cách nhìn mới và tạo những cơ hội cho những nghệ sĩ chưa được nhìn nhận đúng mức trong bối cảnh mỹ thuật trong nước - như các nữ họa sĩ chẳng hạn.



BÙI CÔNG KHÁNH - Quá khứ đã qua


Kế đó, chúng tôi thăm quan một không gian mỹ thuật quan trọng khác - đó là Nhà sàn Đức. Nơi đây được quản lý bởi hai nghệ sĩ nổi tiếng: Trần Lương - họa sĩ/nhà hoạt động, và Mạnh Đức - nhà phục chế đồ cổ. Không gian này được thành lập năm 1998, do các nghệ sĩ quản lý, gồm một ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường chuyên chở từ tỉnh Hòa Bình về. Trong các buổi sinh hoạt, tầng trệt được dọn dẹp cho các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, nhưng tầng trên là cả một kho tàng các tượng cổ và nhiều hiện vật sưu tầm được bầy bán. Một không gian cho triển lãm và trình diễn luôn được sẵn sàng. Không gian này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển mỹ thuật đương đại ở Hà Nội.

Trong 4 ngày ở Hà Nội, chúng tôi đã có dịp gặp nhiều họa sĩ khác ngoài anh Trần Lương. Chúng tôi đã thăm anh Nguyễn Thế Sơn tại xưởng vẽ của anh; thăm Lê Quang Hà tại nhà riêng/ xưởng vẽ; và thăm Bùi Công Khánh tại làng gốm sứ Bát Tràng. Tất cả những chuyến thăm quan và giao lưu này đã cho chúng tôi một dịp may hiếm có, nắm được môi trường hoạt động có một số nhạy cảm về chính trị-xã hội mà các họa sĩ đương đại gặp trong khi sáng tác. Các chủ đề mà các nghệ sĩ tiên phong này đề cập đến thường mang tính chất chính trị-xã hội nên thường hay được lưu ý. Những nội dung không được phép như: sinh hoạt trác táng, tôn giáo thái quá, các vấn đề về dân tộc thiểu số và lối khắc họa chân dung có tính chất tiêu cực về đất nước cùng đường lối chính trị là những điều nên tránh. Kết quả là, nhiều họa sĩ đã nhận thấy rằng trình diễn và video là một phương tiện thuận lợi, mang xách di chuyển dễ dàng, khó kiểm duyệt hơn và cũng dễ dàng chia sẻ hơn ở trong nước lẫn ở ngoài nước.

Chuyến đi thăm quan nghiên cứu lần này quả là một trải nghiệm quý báu. Thật phấn khởi được thấy các họa sĩ đã kiên trì, bên bỉ sáng tác trong môi trường ít nhiều hạn chế của Hà Nội. Đây cũng là một cơ hội có một không hai được trải nghiệm sự tổng hòa giữa cái cũ và cái mới, Đông và Tây, trong văn hóa Việt Nam khiến cho mỹ thuật của Việt Nam khác lạ biết chừng nào so với mỹ thuật của các nước khác trong khu vực Đông nam Á này!

 

Kinh Kha (sưu tầm,biên dịch và giới thiệu)