THẢO LUẬN
Phạm Huy Thông
Trong bài ghi chép của Anh Thư về buổi nói chuyện của họa sĩ Đức Hòa, tôi đã có vài comment, chủ yếu để thuật lại những kiến thức từ lời anh Hòa mà tôi nhớ được, ghi ra để các bạn không có điều kiện đến nghe cũng biết qua được nội dung của buổi nói chuyện. Sau, vì Soi đề nghị gộp những comment của tôi thành bài nên tôi xin có những chỉnh sửa để “bài” của tôi trở nên dễ đọc hơn. Nhưng thực ra gọi phần dưới đây là một bài cho ra ngô ra khoai thì không xứng, chỉ là những bình luận của tôi và (về) những điều họa sĩ Đức Hòa trình bày trong buổi nói chuyện. Những kiến thức dưới đây đều là kiến thức học được từ hồi đại học hoặc lượm lặt được từ buổi nói chuyện của anh Hòa.
Tôi xin đơn giản so sánh việc vẽ tranh với mấy trò đấm đá cho nó vui. Nếu như Karatedo yêu cầu sự kết hợp liên hoàn giữa tay và chân thì Taekwondo lại chỉ chú trọng dùng chân vì sức mạnh của chân thường gấp bội tay. Mấy chú Tây Boxing chỉ dùng tay để thủ thế và tấn công, lấy sức mạnh nội tại để áp chế đối thủ trong khi Aikido lại mượn sức đối phương để oánh cho nó… nhàn. Quan niệm mỗi vùng, mỗi trường phái một khác nhưng rốt cuộc đều nhắm tới việc hạ gục đối phương và bảo vệ bản thân mình.
Các quy luật về bố cục tranh cũng vậy. Cách phân tích, mổ xẻ, tạo niêm luật tuy nghe có vẻ khác nhau nhưng cuối cùng vẫn hướng đến việc tạo ra các tác phẩm trông sao cho ổn, hợp mắt, hợp với quy luật thị giác của mắt người. (Viết đến đây tôi chợt nghĩ bạn nào đủ tài, đủ hiểu biết xây dựng được một bộ quy luật bố cục tranh cho hợp với mắt ếch với lòng mắt dọc và chỉ nhìn được chuyển động thì hẳn Việt Nam lại vinh dự có thêm một trường phái hội họa nữa).
Giáo trình về bố cục ở mình hình như cũng có vài ba trường phái. Tôi không được học với cấp đại học ở đại học Mỹ thuật nhưng qua nói chuyện với bạn bè thì thấy hình như có những giáo trình khác với trường tôi (Mỹ thuật Công nghiệp). Thế cũng không sao, vì tranh của sinh viên cả hai trường đều rất đẹp (sướng nhé!).
Luật bố cục chia đôi, chia ba mà họa sĩ Đức Hòa trình bày là một cách mổ xẻ mới mà họa sĩ ở Việt Nam ít nghe tới. Như thầy Đặng Quý Khoa cũng đã nhận xét về cuối, có một số khái niệm trong luật chia đôi trùng với khái niệm về đăng đối hay đối xứng mà mọi người đều đã biết. Tôi thấy biết thêm luật chia đôi, chia ba cũng hay. Có cơ hội để kiểm chứng về lối quy luật bố cục mà mình được học trước đó.
Những bức tranh ví dụ về luật chia đôi mà hoạ sĩ Đức Hòa đưa ra, nếu ở Mỹ thuật Công nghiệp có thể sẽ được xếp và loại bố cục đăng đối giả, kết hợp với cặp tương phản về chất (mà ở đây là đối lập nhau về tính cách nhân vật.)
Có một số ý kiến khác nhau về tính cần thiết của việc áp dụng các lý thuyết bố cục vào giảng dạy. Vì nhiều người sợ khi vẽ tranh mà cứ lôi sách bố cục ra mà phang thì tranh khô cứng lắm. Theo tôi, việc giảng dạy bố cục là cần thiết dù rằng các hoạ sĩ sau khi ra trường nên vứt nó đi. Nhưng nôm na như việc học võ, đánh nhau thực chiến với đầu gấu thì đương nhiên không cần các quy củ về quy tắc ra đòn, nhưng những người có luyện võ miệt mài, khi đó ra đòn theo “phản xạ” cũng vẫn hơn đứt đám lơ ngơ. Thầy Quý Khoa trong buổi nói chuyện cũng dùng từ gì đó như là “vô thức có tập luyện” vẫn khác loại tự nhiên chủ nghĩa vẽ hú họa.
Có ý kiến trong phần thảo luận cho rằng, ở bậc đại học thì không cần phải học các quy tắc bố cục nữa vì khi đi luyện thi đã được học hết mấy cái này rồi. Tôi phản đối ý kiến này vì việc luyện thi thời lượng khi chậm, khi cấp tốc. Thầy trò cũng chỉ một mục tiêu cho học sinh thi đỗ là xong. Còn việc học (hoặc đọc thêm) trong môi trường đại học sẽ có những trao đổi, trau dồi mang tính chất khác. Như tôi học ở Mỹ thuật Công nghiệp, cả một năm đầu học và làm lại về hình định hướng, vô hướng, chuyển động…sức căng của hình, các luật kiêng kị… quả là rất có tác dụng. Sau này vẽ tranh không cần nhớ đến mấy thứ đó nữa nhưng tự chúng có trong phản xạ rồi. Lúc nào muốn phá cách thì cũng biết mình đang phá cái gì.
Xin chú thích hình minh họa một số quy tắc chia hai trong luật bố cục mà hoạ sĩ Đức Hòa đã đưa ra:
Xin nói thêm ở đây, có bạn Composition phản đối việc nói cái chết của ông Marat là lãng xẹt. Chuyện lãng xẹt hay không lãng xẹt là quyền của mỗi người thôi bạn. Ông Marat là anh hùng cách mạng, nhưng ông không chết trên chiến trường hay pháp trường mà chết trong bồn tắm thì kể ra họa sĩ Đức Hòa nói có lý đấy. (Ông Marat bị bệnh về da nên phải làm việc trong bồn tắm). Tôi chưa xem trực tiếp tranh này nên không thể biết những nét bút ảo diệu đại diện cho quần chúng ra sao. Bởi vậy, khoảng trống đen tối kia, đối với tôi, vẫn chỉ là khoảng trống u tối thôi.
Đến một số quy tắc chia ba trong luật bố cục, trong đó các nhà “chia ba học” không chỉ quan tâm tới các đường chia ngang dọc mà quan tâm tới cả các đường chéo… Đau đầu nhỉ.
Phương án A: Ba vật thể đều nằm gọn trong tranh. Sự chú ý dồn vào vật to nhất.
B: Khi vật to nhất bị đẩy ra rìa tranh và bị rìa che mất một phần thì sự chú ý nhường lại cho vật to nhì đứng độc lập.
C: Trường hợp này cả ba vật thể đều bị dìm hàng.
D: Một cách để nhường lại sự chú ý cho vật to nhì: vẽ các vật cản (như rèm cửa) để che đi các vật kia.
E: Hoặc cho các vật cần dìm vào bóng tối.
Tỉ lệ hay dùng trong bố cục phong cảnh: đất chiếm 2/3 hoặc trời chiếm 2/3.
C: Nhóm trẻ con đứng trước cối xay gió. Độ lớn của 2 nhóm hình này bằng nhau. Cối xay gió không hút được sự chú ý vì nhóm trẻ con vừa đứng trước, vừa rất động.
D: Nhóm trẻ con bị thu nhỏ lại nhưng vẫn thu hút vì có trạng thái động.
E: Bây giờ sự chú ý đã dành cho cối xay khi nhóm trẻ con không hoạt động nữa.