Trong những năm 1950, người Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, ai cũng ý thức được sự cấp bách phải xóa bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân để xây dựng một chủ nghĩa hiện thực mới, tương tự như nền hiện thực XHCN ở Liên Xô cũ.
Năm 1976, khi Đảng Cộng sản lên lãnh đạo đất nước, hội họa trở thành một trong những công cụ tuyên truyền quan trọng thể hiện lòng tự hào dân tộc. Những họa sĩ muốn triển lãm các tác phẩm của mình phải là thành viên của Hội Mỹ thuật. Họ được khuyến khích vẽ hình tượng của những người công nhân và các nhà lãnh đạo tài ba của đất nước. Tranh khoả thân được xem là đồi bại và tranh tự bộc lộ cảm xúc không được hoan nghênh.
"Thời kì Đổi mới, hội họa Việt Nam sau những năm 1990" là chủ đề của cuộc triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật Singapore để phản ảnh tình hình hội họa Việt Nam sau khi mở cửa nền kinh tế thị trường với các chính sách đổi mới.
|
Hình ảnh là tâm điểm của nghệ thuật một thời. - Ảnh: Internet
|
Bà Joyce Fan nói: “Những họa sĩ thời kì Đổi mới được quyền tự do hơn trong việc thể hiện tài năng của mình. Họ có cơ hội trải nghiệm thực tế”.
Những hình ảnh thường gắn liền với mỹ thuật Việt Nam là các bức họa hiện thực trữ tình về những người phụ nữ đội nón lá, mặc áo dài thướt tha và những con đường cổ kính của phố cổ Hà Nội. Mặc dù những bức họa này thường bày rất nhiều tại phòng trưng bày ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng chúng không hoàn toàn là hiện thân của mỹ thuật ngày nay.
Bà nói: “Rất nhiều người thường gắn hội họa Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài duyên dáng. Nhưng qua cuộc triển lãm này tôi muốn cho mọi người thấy sự thay đổi trong con mắt các họa sĩ trong hơn 18 năm qua”.
Mốc thời gian của cuộc triển lãm là năm 1990, năm đánh dấu sự mở đầu của triển lãm nghệ thuật mang tính thương mại tại Hà Nội. Bà Fan đã chỉ ra rằng cuộc triển lãm là cơ hội liên kết các tác phẩm của các họa sĩ thuộc ba thế hệ: Những người sinh ra trong những năm 1940 đã trải qua cuộc chiến tranh khi trưởng thành, những người sinh ra trong những năm 1950, 1960, lớn lên trong chiến tranh, và những người sinh ra sau những năm 1970 chưa từng chứng kiến chiến tranh.
Không giống như Trung Quốc, hội họa Việt Nam đã không bị ảnh hưởng bởi chính trị, các họa sĩ Việt Nam đã tiếp cận sâu hơn rất nhiều chủ đề và cũng có quyền tự do sáng tác của mình.
Nguyễn Quân, một họa sĩ đồng thời là một nhà nghiên cứu lịch sử hội họa có tác phẩm “Tự họa dưới trăng” (1992) được trưng bày tại cuộc triển lãm đã thốt lên những lời hết sức chua chát: “Tôi đã quá mệt mỏi về nền mỹ thuật mang tính chính trị. Các họa sĩ đã bỏ qua phong cách sáng tác ca ngợi chủ nghĩa tập thể và các chủ đề truyền thống về các nhà lãnh đạo, những người nông dân và người lính...”.
Bà Fan nói: “Thời kì sau Đổi mới đã trở thành thời kỳ tự do bộc lộ cảm xúc nên có rất nhiều họa sĩ đi theo thể loại tự họa vì họ tìm thấy được những điều tuyệt diệu trong cách tự thể hiện cảm xúc. Tự họa cũng cho phép họ được nói lên sự thay đổi quan điểm, nỗi khát khao phải giữ gìn quá khứ, một thời hào hùng đang dần bị lãng quên”.
Trường phái trừu tượng là một mặt mạnh khác của hội họa trong những năm đầu hậu Đổi mới vì phong cách nghệ thuật này cũng được xem là một cách tự bộc lộ cảm xúc tuyệt vời. Một số bức tranh trưng bày tại cuộc triển lãm cho thấy các họa sĩ Việt Nam như Bùi Hữu Hùng và Lê Hồng Thái đã tiếp thu và thích ứng với thể loại vẽ tranh trừu tượng và thử nghiệm vẽ sơn mài trên gỗ như thế nào.
Một trong những đề tài chủ đạo của cuộc triển lãm là “hồi ức”, những cái nhìn khác nhau của ba thế hệ họa sĩ về những thời kỳ khắc nghiệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Những nghệ sĩ sinh ra trong chiến tranh thường phải sơ tán về các miền quê, họ thường ghi lại từng khoảnh khắc ở tại ngôi làng trên các bức tranh – điển hình như bức tranh trừu tượng “Dưới mặt nước” của danh họa Trần Lương (1994). Các họa sĩ sinh ra trước chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh lại thường hồi tưởng lại những sự gian khổ, khó khăn và nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Nhưng như bà Fan nói, các họa sĩ vẽ những hình ảnh này phải có đầu óc nhạy bén và vô cùng tinh tế, ví dụ như tác phẩm “Trái tim người mẹ” của họa sĩ Đỗ Sơn (1994), miêu tả người mẹ đang cầu nguyện cho những người con yêu dấu đã chết trong các cuộc chiến tranh.
“Đây là bức tranh chứa đầy niềm thương yêu và sự chua xót vì hình ảnh của những người con yêu dấu ấy và cách họ ăn mặc, đã thể hiện họ là những người lính của hai cuộc chiến tranh khác nhau. Trong rất nhiều tác phẩm tôi nhìn thấy có thứ gì đó đầy thi vị và trữ tình”, bà Fan nói.
“Cuộc hành trình khám phá quê hương cũng là một đề tài chủ đạo khác. Cũng có nhiều bức tranh về cảnh đẹp của những con đường cổ kính ở Hà Nội, và đề tài này cũng tạo cơ hội cho các họa sĩ phản ánh những thay đổi trong xã hội và kinh tế”.
Trong công trình “Hóa thạch sống” của tác giả Vương Văn Thạo (2006), ông đã tái hiện lại những ngôi nhà cổ tiêu biểu của phổ cổ Hà Nội bằng gốm và sau đó bọc vào một lớp nhựa trong suốt. 36 ngôi nhà với các cây cột kim loại cũng được bọc nhựa có gắn tên phố cùng nhiều loa phóng thanh mà những năm 1980 , các thông báo công cộng được phát đi suốt cả ngày.
|
Công trình "Hóa thạch sống" của Vương Văn Thạo. - Ảnh: Internet
|
Mặc dù ngày nay họa sĩ Việt Nam được tự do hơn nhưng vẫn không trọn vẹn, điều này có thể lý giải tại sao hầu hết các tác phẩm không liên quan đến chính trị.
Tác giả của một vài cuốn sách về mỹ thuật Việt Nam và là một giáo sư Học viện mỹ thuật ở Chicago, bà Nora Taylor nói: “Mọi người luôn so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng tôi nghĩ điều này không công bằng. Mọi người nên nhìn vào mối quan hệ của người Việt Nam so với người Trung Quốc về công tác chính trị. Người Việt Nam không có một cuộc cách mạng văn hóa mạnh mẽ.”.
Tuy nhiên, một vài tác phẩm hội họa được trưng bày tại triển lãm thời Hậu đổi mới này đã cho thấy một số họa sĩ Việt Nam đang cố gắng thể hiện, bình luận về chính trị xã hội. Bức tranh sơn dầu xám “Kẻ độc tài” của họa sĩ Lê Quang Hà (2003) vẽ một người đàn ông với tám cánh tay đang duỗi thẳng nhằm vào người xem với vẻ đe dọa. Tác phẩm của ông thường là lời bình luận về sự thối nát và tham nhũng trong xã hội.
Bà Taylor nói tiếp “Rất nhiều họa sĩ đang góp phần tạo nên các tác phẩm mang tính chất chính trị, nhưng họ giữ kín, chủ yếu là họ chỉ muốn thể hiện nghệ thuật. Mọi thứ sẽ thay đổi trong vài năm tới. Cuộc triển lãm cho người xem một cái nhìn khái quát hơn về những việc xảy ra sau thời kì Đổi mới chứ nó không thực sự là sự phản ánh những việc đang diễn ra hiện tại”.
Tác giả: Sonia Kolesnikov-Jessop Bích Nguyệt (Vietimes) Dịch từ IHT
|