Nguyễn Đình Đăng
Trong số các dụng cụ hoạ sĩ dùng để bôi màu vẽ lên nền, bút lông [1] có lẽ là thứ lâu đời và phổ biến nhất.
Vào năm 2008 người ta đã phát hiện trong hang Blombos tại Nam Phi các vỏ bào ngư đựng bột màu và “bút vẽ” bằng xương 100 ngàn năm tuổi [2].
Mông Điềm, tướng nhà Tần (t.k. 3 tr. CN), vốn được cho là người đã phát minh ra bút lông, một trong bốn văn phòng tứ bảo bút – nghiên – giấy – mực của người Tàu. Nhưng các di chỉ khảo cổ sau này cho thấy có lẽ bút lông đã xuất hiện tại Hà Nam (Trung Quốc) từ khoảng 6000 năm trước, cùng thời với sự ra đời của bút làm từ ống sậy và lông động vật tại Ai Cập cổ đại.
Tại châu Âu, cho đến t.k. XVIII, các hoạ sĩ đều phải tự làm bút lông cho mình. Cuối t.k. XVIII các xưởng sản xuất bút lông xuất hiện tại Pháp. Năm 1793 Gérard Parent thành lập công ty đầu tiên chuyên sản xuất bút lông tại Paris, sau được gia đình Sauer mua lại. Đó là công ty sản xuất ra bút lông nhãn hiệu “Raphaël” ngày nay. Cũng vào cuối t.k. XVIII hai thành phố Bechhofen và Nuremberg trở thành trung tâm sản xuất bút lông tại Đức. Trường đầu tiên dạy nghề làm bút lông được mở tại Bechhofen với khóa học 3 năm.
*
Chọn bút lông loại nào để vẽ là một trong những việc quan trọng của hoạ sĩ vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất công việc và chất lượng tác phẩm. Sự lựa chọn bút lông phụ thuộc vào tính chất của màu, nền vẽ, kích thước tranh, kỹ thuật vẽ và hiệu quả hoạ sĩ muốn đạt được. Chuyên khảo này bàn về bút lông vẽ sơn dầu.
1) Các loại lông làm bút
Lông để làm bút vẽ được chia làm 3 loại: (i) lông mềm, (ii) lông cứng, và (iii) lông nhân tạo.
i) Lông mềm (hair)
Bút lông mềm được làm từ lông của các động vật như các loàichồn, lửng (badger), cầy mangut (mongoose), sóc, li (raccoon doghay tanuki), và gia súc như bò, ngựa, dê, cừu.
Bút làm từ lông sóc và lông sau tai gia súc thường được gọi chung là “bút lông lạc đà” (camel hair brush) dù chẳng hề có tí lông lạc đà nào.
Lông chồn là loại lông tốt tự nhiên tốt nhất và đắt nhất để làm bút vẽ. Mỗi sợi lông chồn đã có hình nón dài đầu nhọn, và có độ đàn hồi tốt, giữ cho đầu bút luôn nhọn hoắt, có bề mặt phủ vẩy như ngói lợp, khiến lông thấm màu nhiều và đều, không thứ lông nào khác bì kịp.
Trong số các loài chồn lông được dùng làm bút có chồn Siberia(Kolinsky), chồn Zibeline (sable), chồn đá hay chồn thông(marten), chồn hương (weasel), và chồn nâu (fitch hay polecat).
Bút lông chồn Siberia (Kolinsky) là bút lông tốt nhất và đắt tiền nhất, vì lông dài, nhọn, thon, đàn hồi rất tốt, đầu bút giữ nguyên hình dạng, và bền. Có hai giả thuyết về xuất xứ của chồn Kolinsky. Theo giả thuyết thứ nhất кolinsky (колинский) là tính từ của Kola(Кола) – bán đảo tây bắc thuộc tỉnh Murmansk của Nga, nơi từng có giống chồn quý hiếm nay đã tuyệt chủng. Theo giả thuyết thứ hai kolinsky là tính từ của kolonok (колонок) – giống chồn Siberia. Đặc điểm của chồn Siberia là chỉ sống tự do trong thiên nhiên nó mới cho lông đẹp. Vì thế không thể nuôi chồn Siberia để lấy lông, mà phải đánh bẫy.
Công nghệ làm bút lông chồn ăn theo ngành lông thú. Da chồn bị lột ra để làm áo, mũ, còn cái đuôi bị bỏ lại dùng để làm bút lông. Lông tốt nhất là từ đuôi con chồn Siberia đực bắt vào mùa đông, có màu phớt đỏ lẫn nâu. Giá lông chồn Kolinsky, tùy theo độ dài, có thể lên tới 16 ngàn USD/kg. Hiện nay lông chồn Siberia ngày càng khan hiếm nên nhiều nhà sản xuất bút lông dùng lông chồn đỏ(red sable) Triều tiên và Mãn Châu Lý (Trung quốc), mà thực chất là chồn hương (weasel) lông đỏ chứ không phải chồn Zibeline (sable). Lông chồn châu Á không mịn và đàn hồi bằng lông chồn Siberia, màu sẫm hơn và giá nói chung chỉ bằng nửa. Lông chồn hương đỏ tuy dài hơn lông chồn Siberia nhưng độ dày của sợi lông từ giữa tới ngọn không khác nhau nhiều. Bút lông tốt nhất trong loại này đôi khi cũng được gọi là “bút lông chồn đỏ Kolinsky”(Kolinsky red sable), chất lượng rất gần với bút Kolinsky thứ thiệt.
ii) Lông cứng (bristle)
Bút lông cứng được làm từ lông lợn. Lông lợn dai và đàn hồi tốt đến nỗi từng được dùng cho bộ phận điều chỉnh lò xo trong những đồng hồ bỏ túi đầu tiên (t.k. XVI). Đầu sợi lông lợn tẽ nhánh, gọi là tua (flag), giúp giữ được nhiều màu và dàn đều lớp màu dày. Vì thế bút lông lợn chất lượng cao là bút không bị xén đầu, còn nguyên tua, cong tự nhiên, cài vào nhau (interlocked), và hướng vào trục bút, chứ không loe ra hai bên.
Lợn nuôi công nghiệp trong các trại lớn để lấy thịt có lông ngắn, yếu, và tẽ nhánh ít (ít tua), chỉ có thể được dùng làm các bút lông rẻ tiền. Lợn cung cấp lông tốt để làm bút là loại lợn được nuôi thả tự nhiên ở xứ lạnh. Loại lợn này tuy gầy vì không ăn thuốc tăng trọng, nhưng cho lông dài, tua to và nhiều. Những vùng lạnh chậm phát triển tại Nga và Trung Quốc là những nơi cung cấp lông lợn tốt nhất thế giới để làm bút lông trong đó lợn lông trắng Trùng Khánh (重慶 hay Chongqing, Chungking) (Trung Quốc) đứng đầu bảng. Lợn từ các vùng khác có lông ngả vàng, phải được tẩy cho trắng, vì thế mất đi chất dầu tự nhiên, trở nên cứng và kém đàn hồi hơn.
iii) Lông nhân tạo (synthetic)
Bút làm từ lông nhân tạo thường được gọi là bút nylon nhưng thực ra là sợi polyester, trong đó sợi Taklon có chất lượng cao nhất. Loại sợi này do hãng DuPont của Mỹ phát minh, được hãng Toray tại Osaka (Nhật Bản) mua lại bản quyền và quyền sản xuất Taklon làm lông chồn nhân tạo. Sợi Taklon có kích thước từ 0.07 mm tới 0.2 mm.
Tuy có đầu mút nhọn hoắt như lông chồn, lông nhân tạo không có bề mặt phủ vẩy như biểu bì của lông chồn tự nhiên. Sợi nhân tạo cũng không có cấu trúc ống (medulla) như lông lợn. Vì thế độ thấm ướt và giữ màu kém lông tự nhiên. Lông nhân tạo cũng không bền với dung môi như lông tự nhiên. Bút lông nhân tạo loại cứng (thay lông lợn) chỉ dùng được cho màu acrylic.
Ngoài ra còn có các loại bút dùng lông pha trộn lông tự nhiên và sợi tổng hợp, ví dụ bút Resable của hãng Holbein Japan, khá tốt cho vẽ sơn dầu theo kỹ thuật nhiều lớp và nhẵn.
2) Các loại bút lông
Thông thường bút lông có hai loại cán ngắn và cán dài. Bút cán ngắn thường được dùng để vẽ trang trí, đồ mỹ nghệ, khi vẽ tại bàn. Bút cán dài được dùng cho hội hoạ giá vẽ. Ở một số hiệu bán hoạ phẩm lớn bút cán dài được bày bán trong gian hội hoạ, còn bút cán ngắn được bày bán tại gian đồ thủ công (craft).
Cán bút được cắm vào cổ bút (ferrule). Đầu kia của cổ bút là phần cắm lông. Trước kia lông được buộc vào cán bằng dây hoặc cắm vào ống lông vũ, ống xương, sậy, tre, trúc v.v. Từ t.k. XIX cổ bút được làm bằng kim loại như bạc, đồng, thiếc, thau mạ kền, hợp kim, nhôm, v.v. Bút lông có cổ bằng nhôm thường là bút rẻ tiền, cho trẻ con vẽ chơi hoặc để quết hồ, sơn đồ mỹ nghệ. Một số bút lông Trung Quốc hay vài nước châu Á khác có cổ bằng hợp kim đồng-nickel, dễ bị xỉn rỗ theo thời gian. Cổ của bút lông chất lượng cao là ống liền, không có chỗ nối. Cổ nối thường bị giãn khiến sơn, dầu và dung môi tích lại bên trong, làm hỏng cán bút.
Một số bút lông có cổ bằng ống lông vũ (như thời xưa), nhựa hoặc bọc da, được dùng khi vẽ một vài màu hoặc men sứ kị kim loại.
Đầu bút lông cho hoạ sĩ có các hình dạng chính dưới đây.
Bút tròn (round brush) nhọn đầu thường được dùng để vẽ chi tiết, các đường liền, chấm và sửa.
Bút thư pháp của Nhật và Tàu thường được làm từ lông chồn, ngựa, dê, thỏ, mèo, thuộc loại bút lông mềm, có thể dùng để vẽ màu nước. Loại tròn nhỏ, bằng lông chồn cũng có thể được dùng để tỉa chi tiết khi vẽ sơn dầu.
Bút bẹt (flat brush) được dùng vẽ các vệt, mảng màu, hoặc các đường mỏng dùng cạnh đầu bút.
Bút bẹt ngắn (bright brush) được dùng để vẽ các vệt ngắn, đậm đặc sơn.
Bút hình hạt phỉ (filbert brush) được dùng để hòa quện các màu. Các hoạ sĩ có kinh nghiệm ưa dùng loại bút này vì kết hợp được tính năng của cả bút tròn lẫn bút bẹt. Bút lưỡi mèo là một dạng của bút hạt phỉ nhưng có đỉnh nhọn.
Bút quạt (fan brush) được dùng để xoa nhẵn các vệt bút.
Bút lưỡi mác (sword brush / angle brush) vừa có thể được dùng để vẽ đường mỏng (bằng phía được vát nhọn), vừa để vẽ vệt rộng.
Bút bự (mop brush) được dùng để vẽ các mảng màu lớn.
Bút đi nét (script/rigger/liner brush) là bút tròn có đầu thon nhỏ và dài, đặc biệt quan trọng khi tỉa các chi tiết, nhấn các điểm sáng, vẽ các đường dài liên tục.
Bút vẽ trổ (stencil brush) được dùng để tô màu tranh trổ, hoặc hòa đều và làm mỏng các vệt màu.
Bút quết varnish (varnish brush) dùng để quết varnish bảo vệ lên tranh.
Bút tạo vệt (color shaper) có đầu bút được làm không phải bằng lông mà bằng silicone, đàn hồi như cao su, được dùng để cào sơn cho hiện ra lớp màu hoặc nền bên dưới – tượng tự lối vẽ dùng cán bút lông vạch lên sơn, hoặc để tạo cấu trúc bề mặt (texture) khi vẽ đặc (impasto).
3) Kích thước bút lông
Kích thước cổ bút tương ứng với số in trên cán bút. Tuy nhiên không hề có một tiêu chuẩn thống nhất quốc tế trong việc đánh số bút, và mỗi nước có một kiểu đánh số khác nhau. Thông thường kích thước đầu bút được xác định bằng
- chiều dài, tức khoảng cách từ gốc tời đỉnh,
- chiều rộng (bút bẹt), tức độ rộng của gốc sắt ngay tại tiếp điểm giữa cổ bút và phần lông,
- đường kính, tức đường kính phần bụng của đầu bút (bút tròn).
Đơn vị đo kích thước thường là mm hoặc inches (1” = 25.4 mm). Ví dụ 5/0, 4/0, 3/0, 00, 1, 2, 3, …., 4, 16, 18, 20, 22, 24, 25, 26, 28, 30. Theo bảng kích thước ở hình trên, bút tròn 4/0 (hay 0000) có đường kính dưới 0.4mm, 3/0: 0.4 mm, 00: dưới 0.8 mm, 0: 0.8 mm, 2: 1.6 mm, 4: 2.4 mm, v.v. Tuy nhiên, như đã nói, sự tương ứng giữa các số và kích thước là tùy thuộc hãng sản xuất, thậm chí khác nhau giữa các loại bút (lông mềm, lông cứng, lông nhân tạo) của cùng một hãng sản xuất. Ví dụ bút tròn lông lợn Raphaël có kích thước (đường kính bụng bút) như sau:
- Series 356: No 2: 2.8 mm, 4: 4.5 mm, 6: 6.5 mm, 8: 8 mm, v.v.
- Series 358: No 2: 3.5 mm, 4: 4mm, 6: 5 mm, 8: 6 mm, v.v.
v.v.
Một số hãng sản xuất bút lông cực nhỏ, 30/0 tức có đường kính khoảng 1/32” (khoảng 0.8 mm).
4) Bút lông được chế tạo như thế nào?
Trong chương 64 “Cẩm nang nghệ thuật” (t.k. XV) Cennino Cennini đã mô tả cách làm bút lông chồn như sau.
Lấy đuôi chồn đem sấy vì chỉ có lông đuôi mới thích hợp để làm bút vẽ. Từ đầu mút của đuôi lựa ra những sợi lông dài nhất và chắc nhất ở phần trong và kết chúng thành những túm nhỏ. Nhúng túm lông vào nước sạch rồi dùng ngón tay bóp cho kiệt nước, lấy kéo xén gốc. Sau khi đã làm được nhiều túm như vậy, xếp chúng thật đều, rồi lấy chỉ hoặc tơ vuốt sáp cột chúng lại với độ dày khác nhau để có thể nhét vừa ống lông kền kền, lông ngỗng, lông gà hoặc lông bồ câu. Sau đó vót một cái que bằng gỗ dài chừng gang tay sao cho chui vừa đầu kia của ống lông.
Còn trong chương 65 bày cách làm bút lông lợn, Cennini khuyên nên chọn lợn nhà lông trắng. Trước khi được chia ra để làm bút, lông lợn phải được cột lại thành cái chổi cỡ nửa cân cắm vào cán gỗ và nhúng vào vôi quét lên tường nhiều lần để lông mềm ra.
Cho đến ngày nay các đầu bút lông tốt nhất cho hoạ sĩ vẫn được làm bằng tay. Một nghệ nhân làm bút vẽ mất 7 – 8 năm để thành thục trong nghề. Các đầu bút lông chồn nhỏ nhất thường được làm bởi tay thợ giỏi nhất.
Quá trình chế tạo bút lông được tóm lược như sau. (Xem video clip giới thiệu quá trình sản xuất bút lông “Raphaël” tại đây.)
Các bó lông khoảng 0.5 kg được nhập từ nhà cung cấp, được chia ra và xếp thành hàng trên bàn. Đầu mút các túm lông không bao giờ được xén. Thợ bút dùng tay nhón một túm lông hợp với kích thước và trọng lượng, nhét đầu lông vào một cái khuôn kim loại gọi là “nòng đại bác” (cannon, vì miệng khuôn giống nòng đại bác), rồi gõ nòng đại bác xuống bàn để định hình đầu bút. Sau đó thợ bút lôi túm lông ra, nhét đầu túm lông vào cổ bút qua đáy cổ bút, rồi lôi túm lông ra từ đầu kia tới độ dài dự định. Nòng đại bác có hình dạng và kích thước khác nhau. Đầu bút bẹt được định hình bằng nòng có đáy phẳng và cổ bút được ép lại bằng kìm. Đầu bút tròn được định hình bằng nòng có đáy nhọn, cổ bút để tròn không ép. Bút hình hạt phỉ được định hình như bút tròn nhưng cổ bút sau đó được ép lại.
Keo epoxy được đổ vào đáy cổ bút để gắn lông với nhau trong cổ bút. Sau khi epoxy khô, các đầu bút gắn vào cổ bút được chuyển sang bộ phận lắp ráp, nơi cán bút được lắp, dán và rập khấc vào cổ bút. Bút được kiểm tra để loại các lông lỏng hay ngược. Sau đó đầu bút được hãm bằng hồ để giữ hình và khỏi hỏng lúc vận chuyển. Cán bút được phủ sơn bóng, in chữ. Một số bút đắt tiền còn được đậy nắp nhựa hoặc cho vào ống hay hộp bảo vệ.
Riêng đối với lông cứng, quá trình định hình có hơi khác. Lông lợn được tẩm ướt để đạt độ cong tự nhiên. Sau đó một nửa số lông trong túm lông được đặt ngược, cong đối xứng gương với nửa kia (xem sơ đồ cách xếp lông lợn trong hình trên). Túm lông như vậy có dạng cài vào nhau (interlocked shape), giúp đầu bút giữ nguyên hình dạng sau khi dùng. Đối với bút lông lợn rẻ tiền, lông được luộc và vuốt thẳng, vì thế đầu bút không giữ được nguyên dạng.
5) Chọn bút lông
Hoạ sĩ chọn bút lông tùy theo chất liệu và ý đồ thể hiện. Bút vẽ sơn dầu gồm cả bút lông cứng để đi các mảng lớn màu chết, lẫn lông mềm để hòa quện các mảng, vệt màu, tỉa chi tiết, xóa vệt bút v.v.
Bút chất lượng tốt phải đảm bảo một số tiêu chuẩn chung sau đây:
i) Hình dạng “đẹp”: Đầu bút lông tốt phải giữ nguyên dạng sau khi thấm màu với hình trông nghiêng như sau:
ii) Khả năng thấm màu lớn: Đầu bút phải giữ được một lượng màu dồi dào. Khả năng này phụ thuộc vào kích thước, loại bút, loại lông. Nhưng chỉ cần so sánh các bút cùng kích thước, và cùng loại cũng có thể thấy sự khác nhau về khả năng thấm màu. Bút có khả năng thấm màu lớn cho phép hoạ sĩ vẽ được những vệt dài liên tục mà không phải dừng để quệt thêm màu từ palette.
iii) Ra màu đều: Với cùng một lực nhấn, bút phải vạch vệt màu đều suốt, bất kể màu trong đầu bút nhiều hay ít.
iv) Độ linh hoạt cao & Độ bật tốt: Bằng cách thay đổi thế của đầu bút so với nền cũng như lực nhấn, có thể vẽ ra các vệt màu có độ dày mỏng, đậm nhạt rất khác nhau. Lông bút có khả năng dễ dàng di màu đặc trên mặt canvas. Sau mỗi lần vẽ một vệt, được nhấc khỏi mặt canvas, đầu bút bật lại nguyên hình dạng ban đầu.
v) Nét đẹp và phong phú: Bùt tròn tốt, khi thấm màu vừa đủ, phải cho phép hoạ sĩ vẽ được đường sắc mảnh, và các chấm cũng như đường gạch song song đa dạng. Bút bẹt tốt phải vạch được các vệt có độ rộng như nhau, có cạnh và góc sắc. Tùy theo lượng màu, độ nhấn và tốc độ đường bút, hoạ sĩ có thể vẽ được hàng loạt các vệt màu đa dạng và đa sắc.
vi) Lông được xử lý tốt: Lông phải thẳng kết với nhau, không có những sợi ngẫu nhiên loe ra ngoài, đầu lông không bị cắt xén, không sợi lông nào bị gãy. Lông không được rụng ra trong khi vẽ. Nếu sau khi dùng vài lần, lông vẫn rụng thì đó là bằng chứng rằng đầu bút và cổ bút đã được lắp ráp ẩu trong quá trình sản xuất.
vii) Độ bền cao: Cán bút không được cong queo và phải được gắn thẳng trục so với cổ bút kim loại, không bị “gù”. Cổ bút phải luôn gắn chặt vào cán bút, không bị lỏng dần ra sau nhiều lần vẽ và rửa. Lớp varnish hay sơn trên cán bút không bị bong, tróc sơn hay phồng rộp bất thường theo thời gian. Nếu được bảo quản cẩn thận sau mỗi lần dùng, bút phải giữ được độ đàn hồi của sợi lông và hình dạng của đầu bút trong một thời gian dài tùy thuộc vào loại bút, chất liệu và kỹ thuật vẽ.
Chú ý: Bút lông Kolinsky vẽ sơn dầu trên canvas mòn khá nhanh. Bút pha trộn lông tự nhiên và nhân tạo như Resable của Holbein mòn chậm hơn.
Cũng như màu vẽ, các nhà làm bút vẽ sản xuất ít nhất 2 hạng bút lông:
(i) hạng cho hoạ sĩ,
(ii) hạng cho sinh viên và những người mới nhập môn.
Hạng cho hoạ sĩ đắt hơn hạng cho sinh viên nhiều lần, và có nhiều series. Bút của các hãng có tiếng dĩ nhiên tốt và đắt hơn bút của các hãng khác. Trên cán bút “xịn” bao giờ cũng có in tên hãng, số series, số kích thước, tên chủng loại bút, và đôi khi cả nơi sản xuất.
Ví dụ trên cán 2 chiếc bút Resable hình hạt phỉ cùng cỡ số 6 của hãng Holbein trong hình dưới có ghi số series 250 F cho bút Para Resable và 200 F cho bút Resable. Lông bút Resable là pha trộn của lông tự nhiên với lông nhân tạo, còn lông bút Para Resable là lông chồn hương trộn với lông nhân tạo, rất gần với lông chồn hương tự nhiên và lại mòn chậm hơn. Tên Holbein được in ở phía gần đuôi cán bút (bên phải hình).
Các hãng nổi tiếng thuờng cho biết rõ xuất xứ của nguyên liệu trong giới thiệu sản phẩm. Ví dụ hãng daVinci (Đức) nói rõ bút lông Kolinsky của họ được làm từ lông chồn Siberia và Mãn Châu Lý. Bút đi nét series Maestro Tobolsky-Kolisnky làm bằng lông chồn Tobolsky (vùng Tobol thuộc Siberia) của hãng này có kích thước từ số 10/0 (11.65 USD/chiếc) tới 24 (205.65 USD/chiếc)
Hãng Namura (Tokyo) có trên 10 series chỉ riêng cho bút lông lợn bẹt, trong đó đứng đầu bảng là series HF làm từ lông lợn Trùng Khánh hảo hạng, cổ bút mạ đồng thau, dành cho các hoạ sĩ chuyên nghiệp, kích thước từ số 2 tới 24 (số chẵn), giá từ khoảng 7 USD tới 32 USD/chiếc. Chót bảng là series B (beginner), làm từ lông lợn thường, dành cho người mới nhập môn, có các số từ 4 tới 16 (chẵn) với giá từ khoảng 2.5 tới 6 USD/chiếc.
6) Bảo quản bút lông
1 – Nên rửa bút ngay sau mỗi lần dùng, tránh để bút dính sơn qua đêm, chưa nói là sau vài ngày: sơn sẽ khô kẹt cứng, làm hỏng lông.
2 – Tránh ngâm bút trong dầu hay dung dịch rửa bút ngày này qua ngày khác, vì sẽ làm hỏng lông và cán gỗ ngấm dầu hoặc dung dịch sẽ trương lên, tróc vec-ni. Đặc biệt là không bao giờ nên ngâm bút cắm thẳng đứng trên đầu lông dưới đáy lọ đựng dầu hay nước rửa bút, hay kỳ bút khi rửa bằng cách miết đầu bút vào đáy lọ vì lông sẽ bị oằn gãy.
3 – Tránh dùng một bút vẽ nhiều loại chất liệu, mà nên để riêng bộ bút vẽ sơn dầu, bộ vẽ acrylic, bộ vẽ màu nước. Không dùng cùng một chiếc bút để vừa quét vanish vừa quét gesso.
4 – Trước khi rửa bút, dùng vải tẩm xăng trắng (white spirit) vuốt sạch sơn dầu bám ở đầu bút. Có thể rửa bút bằng xăng trắng, xăng trắng không mùi (OMS), sau đó tráng bằng nước xà phòng, rồi nước lạnh, hoặc có thể dùng các dung dịch gốc nước để rửa, nhưWater-Based Supercleaner của Royal Talens hay Perfect Cleanercủa Holbein. Dung dịch gốc nước có ưu điểm là không độc hại, và không có mùi. Không dùng nước nóng rửa bút vì lông sẽ bị cong, đặc biệt là lông nhân tạo, và cổ kim loại sẽ nở ra, lỏng khỏi cán bút. Tránh dùng các chất tẩy mạnh để rửa bút vì sẽ hỏng lông. Trong khi rửa, chú ý rửa thật sạch sao cho không còn sơn bám tại gốc bút, vì sơn tích tụ tại gốc bút cứng lại sẽ làm cả đầu bút mất dần tính đàn hồi. Bút lông lợn trắng, sau khi rửa, phải trắng muốt như mới.
5 – Sau khi rửa dùng vải mềm thấm sạch nước, để bút khô tự nhiên nằm ngang, hoặc treo thẳng đứng, đầu bút hướng xuống dưới (nhất là các bút to hay bút varnish). Tránh dùng nhiệt (như máy sấy tóc) để sấy bút vì lông sẽ quăn.
6 – Có thể dùng sáp để bảo quản đầu bút. Ví dụ hãng Kusakabe của Nhật có sản xuất “Brush softer“, chứa silicon và chất giảm sức căng bề mặt (surfactant). Sau khi rửa bút, cắm đầu bút vào lọ sáp, kéo ra để chừng 1 phút rồi lấy khăn mềm vuốt sạch sáp, đồng thời định hình đầu bút nhọn hoặc bẹt lại như mới. Bút được bảo dưỡng như vậy sẽ luôn giữ được độ đàn hồi và hình dạng.
Bút lông được bảo quản tốt sẽ dùng được lâu. Những bút đắt tiền là những bút có chất lượng cao, nên càng phải được giữ gìn cẩn thận.
11.11.2013
[1] Ở phía nam Việt Nam bút lông được gọi là cọ vẽ.
[2] C.S. Henshilwood et al., A 100,000-year-old ochre-processing workshop at Blombos cave, South Africa, Science 334 (2011) 219.
[3] J.T. Weber, Artist brush tips (Edited by D. A. Silver, Silver Brush Ltd.)
______________
© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
__________________