Thúy Anh st và dịch từ Artbusiness.com
Việc tính toán thiết lập giá tranh rõ ràng nhất quán sẽ tạo nên uy tín cho họa sĩ. Tác phẩm tương tự nhau có giá giống nhau. Cấu trúc giá phức tạp sẽ làm nản lòng người mua và làm chậm việc kinh doanh của họa sĩ.
Dù dùng nguyên tắc nào để tính toán thì cũng phải dựa vào đặc tính tác phẩm và thị trường bên ngoài. Họa sĩ dùng đặc tính nào làm chuẩn cho việc tính toán thiếp lập giá thì nguyên tắc thiết lập đó phải luôn được rõ ràng giải thích được khi có ai đó hỏi họa sĩ.
Có miêu tả được mới tính giá được
Họa sĩ hãy chọn một tác phẩm tiêu biểu đại diện cho (mỗi) kỹ năng và khuynh hướng sáng tác, mô tả các yếu tố trực quan của tác phẩm như kích cỡ, đề tài, màu sắc, độ phức tạp, trọng lượng, chi phí vật liệu, thời gian hoàn thiện v.v… cũng như phân tích sâu các yếu tố biến thiên như số người hay vật trong bố cục, chủ đề, kết cấu vải và bề mặt, việc thường xuyên dùng một màu nào đó, hướng cọ, ngày sản xuất hay cấp độ trừu tượng v.v… Tránh miêu tả tác phẩm dựa trên những suy nghĩ chủ quan như tác phẩm mang thông điệp gì, tạo cảm xúc gì cho người xem… Những mô tả chủ quan chỉ quan trọng trong việc nói ra quan điểm sáng tác của họa sĩ chứ không cần thiết cho việc tính toán thiết lập giá tranh, bởi quan điểm có thể khác nhau giữa nhiều người xem tranh. Nếu nhiều người xem có cùng cảm giác hay cùng suy nghĩ thì họa sĩ có thể cân nhắc điều này vào việc tính định giá tranh.
Miêu tả xong đến bước tính toán thiết lập giá bán cho tác phẩm tiêu biểu đó. Cách tính dựa theo cách áp dụng giá bán xe hơi, có vẻ so sánh thô thiển nhưng thật ra đây là cách phổ biến để tính giá tranh. Một chiếc xe hơi cơ bản sẽ có giá bán thông dụng, những chiếc có phụ kiện hay tính năng cộng thêm sẽ được cộng thêm giá, cộng bao nhiêu tùy vào phụ kiện hay tính năng thêm đó.
Hãy bám lấy giá chuẩn
Quay lại chuyện tranh, họa sĩ có kinh nghiệm triển lãm với phòng tranh và có lịch sử bán tranh đều đặn sẽ có sẵn giá chuẩn cho tác phẩm đặc trưng. Nếu không còn giữ chứng từ mua bán, giá chuẩn sẽ là giá gần đúng với giá của các họa sĩ khác trong cùng khu vực địa lý cùng đẳng cấp trình độ nghệ thuật. Hãy tham khảo giá thị trường kỹ lưỡng vì giới buôn tranh và sưu tầm rất tinh nhạy, họ có nhiều tác phẩm và tác giả từ nhiều nguồn để so sánh. Ví dụ, nếu tác phẩm 50x75cm giá chuẩn là 1.000 USD, thì tác phẩm 100x120cm, giá chuẩn có thể là 3.000 USD, tương tự khổ 20x30cm giá là 400 USD. Nếu tranh có bố cục phức tạp hơn, khổ lớn hơn, nhiều chi tiết khó cần độ tỉ mỉ hay kỹ thuật khó tốn nhiều thời gian hơn, vật liệu mắc hơn… thì tính giá mắc hơn.
Cấu trúc giá phải hợp lý đối với người mua, tức phải giải thích được tại sao bức này mắc hơn bức kia hoặc ngược lại. Phải sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc về giá tác phẩm. Và một khi ấn định giá, đừng thay đổi mà không có lý do chính đáng. Người mua không thích tuần này báo giá này, mấy tuần sau bỗng nhiên báo giá khác.
Khi cần giảm giá tranh
Nếu giá của họa sĩ ấn định là quá cao, người mua quan tâm hỏi giá nhưng không mua. Điều này có nghĩa họa sĩ nên hạ giá, nhưng hạ bao nhiêu là vừa? Lý tưởng là sao cho thấp hơn giá của họa sĩ khác cùng đẳng cấp trong cùng khu vực địa lý một ít là vừa. Không tùy tiện bớt đại mà phải tìm hiểu cẩn thận, hãy hỏi người muốn mua tranh xem tác phẩm nên có giá bao nhiêu. Hãy hỏi người buôn tranh, nhà sưu tầm, người môi giới… xem họ nghĩ gì rồi tổng hòa những ý kiến đó và điều chỉnh giá tương ứng. Mục tiêu của họa sĩ là bán tranh với khung giá mới thấp hơn, vì vậy hãy đảm bảo giảm giá sao cho bán được tranh, đã giảm thì giảm cho chính xác, tránh giảm tiếp lần nữa khiến người mua đánh giá thấp tác phẩm.
Khi cần tăng giá tranh
Nếu tác phẩm đã trở nên phổ biến với công chúng và việc bán tranh diễn ra tốt đẹp, nhu cầu mua cao, khoảng một phần ba tổng số các tác phẩm bán được trong vài tháng sau khi xuất hiện trên thị trường, họa sĩ hãy tăng giá. Việc tăng giá nên diễn ra khi nhu cầu mua tác phẩm của bạn nhiều hơn nhu cầu mua tác phẩm của họa sĩ khác cùng thời.
Tăng cụ thể bao nhiêu tùy vào thành quả đạt được như được triển lãm, được nhận giải thưởng, được báo chí đăng bài v.v… Dựa vào mức độ nổi tiếng ví dụ từ họa sĩ cấp địa phương thành họa sĩ cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp thế giới v.v… để tăng giá, nhưng không quên nguyên tắc vàng là luôn giữ giá thấp hơn giá của họa sĩ khác cùng đẳng cấp một tí.
Nếu qua một thời gian, một số tác phẩm thuộc thể loại hay khuynh hướng nào đó của họa sĩ được chuộng nhiều hơn trong khi các tác phẩm thuộc thể loại khác thì không, khi đó họa sĩ hãy tăng giá cho những tác phẩm thuộc thể loại hay khuynh hướng đang có nhiều nhu cầu mua đó, sao cho cao hơn giá của tác phẩm ít có nhu cầu. Ví dụ nhiều nhà sưu tầm đến xem và thích tranh trừu tượng hơn là tranh phong cảnh của họa sĩ, thì hãy nâng giá của các bức trừu tượng đã, đang hoặc sẽ vẽ. Tăng giá các tác phẩm thời đầu cũng như đồ cổ, càng lâu càng có giá, tuy nhiên điều này chỉ đúng khi sự nghiệp của họa sĩ phát triển.
Tuổi đời hay cách thức tiếp thị quảng bá của họa sĩ thế nào đi nữa thì hãy nhớ rằng giá tranh giao động theo thời gian và là kết quả của nhiều yếu tố ảnh hưởng. Hãy thiết lập giá bán dựa vào đặc tính tác phẩm cùng việc tìm hiểu nghiên cứu giá của các họa sĩ cùng đẳng cấp cùng thời, và sẵn sàng điều chỉnh giá hợp lý. Càng ý thức các nguồn lực thị trường và có nhiều phản hồi của người mua về tác phẩm, giá tranh họa sĩ thiết lập càng hợp lý, số lượng tranh bán càng nhiều theo đó tên tuổi nhanh chóng phát triển.