HỘI HỌA PHƯƠNG TÂY: TRƯỜNG PHÁI TÂN CỔ ĐIỂN VÀ TRƯỜNG PHÁI LÃNG MẠN

 

                 1785 David: Lời tuyên thệ của nhà Horace

Trường phái Tân cổ điển

     Vào cuối thế kỉ 18 đầu TK 19, hội họa chính thống ở châu Âu thường thích những gam màu đậm, sâu và những bóng đổ tối. Thiên nhiên hoặc lâu đài cổ thường được sử dụng chủ yếu làm nền cho chủ đề của bức tranh. Nó được thay đổi hoặc trang trí thêm để phù hợp nhất cho các buổi diễn kịch, có lẽ là một khoảng không của bầu trời bao la hay bão tố bị phân chia bởi những vệt sáng của mặt trời, cũng có thể là một khu vườn được tỉa gọn đẹp đẽ chăm chút nhưng chứa đựng những vết tích của sự huỷ hoại lịch sử. Bố cục tranh cổ điển thường mang kịch tính và đồ sộ, tập trung vào hành động trung tâm hoặc những đặc điểm của nhóm nhân vật. Những đặc điểm này được phóng đại so với thực tế và thường bao gồm những con người thời cổ Hy Lạp hoặc Đại Cách mạng Pháp. Nét vẽ cổ điển thường được sơn phết một cách tỉ mỉ, với bề mặt mịn, mục đích để dấu đi những vệt màu của họa sĩ. Chúng được tạo thành để gây ra ảo giác giúp cho người xem tưởng tượng ra có thể nhìn xuyên qua khung tranh và đi vào thế giới thật trong tranh. Dễ có cảm giác các tác giả muốn miêu tả hay rao giảng những bài học đạo đức bằng cách sử dụng các đề tài lịch sử, tôn giáo và thần thoại.

1814 Ingres: Odalisque

     Với những đặc điểm đầy tính công thức như trên, hội họa chính thống thời đó được gọi là trường phái Tân cổ điển (Neoclassicism), ngự trị vững chắc lâu dài trong giới hàn lâm và chính quyền. Các tác giả xuất sắc là Jacques-Louis David (1748-1825)Jean-Auguste Dominique Ingres (1780–1867). Ta có thể tham khảo một số tác phẩm Tân cổ điển tiêu biểu thiên về hình họa như bức "Lời tuyên thệ của nhà Horace" (David 1785), hay bức "Odalisque" (Ingres 1814).

                      1819 Ingres: Roger giải cứu Angelica

Trường phái Lãng mạn

     Thoát thai từ hội họa Tân cổ điển, các tác giả trường phái Lãng mạn đã rời bỏ dần tinh thần Hy Lạp cổ xưa và lấy nguồn cảm hứng từ các cuốn tiểu thuyết đương thời, những trường đoạn mang nhiều kịch tính làm đề tài để sáng tác với những hình họa linh hoạt hơn, màu sắc tươi sáng hơn, tạo thế động và không khí sôi nổi trong tranh.

Chiếc bè Méduse, 1819

     Người khởi xướng và mở đầu cho Trường phái hội họa Lãng mạn Pháp thế kỷ 19 là Théodore Géricault(1791-1824). Giữa lúc hội họa Tân cổ điển đề cao những chủ đề triết lý sách vở thì bất ngờ năm 1819, Géricault trưng bày bức tranh đồ sộ "Chiếc bè Méduse". Chủ đề không phải tìm đâu xa xưa mà là thời sự nóng bỏng về cái chết bi thảm của hàng trăm con người bị bọn chỉ huy bỏ rơi khi tàu đắm. Chỉ với một bức tranh, Géricault làm thay đổi mọi quy tắc tạo hình mẫu mực của hội họa chính thống, bằng bố cục tự do, bằng bảng màu mãnh liệt, bằng rên la quằn quại của những nạn nhân đang hấp hối vì không đủ thuyền cứu hộ. Géricault biết bệnh lao trong ông bắt đầu phát triển, nhưng vẫn đem hết sức lực và tâm huyết của mình sáng tác với 36 phác thảo và chọn ra một bức để vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Bức tranh được Huy chương Vàng tại Triển lãm toàn quốc vì sự sinh động nhưng không được Nhà nước mua với lý do đề tài của tác giả là một sự kiện thời sự nhạy cảm tố cáo chủ tàu Pháp. Sau khi đi thực tế ở Anh, Géricault đã học được cách dùng màu nhưng không may qua đời quá sớm ở tuổi 33.

Con thuyền Dante

     Eugène Delacroix (1798-1863)đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của Géricault. Ông có tài về âm nhạc, hội họa, văn chương, nhưng chính niềm say mê vẽ đã thúc giục ông đi theo con đường hội họa. Vào thời kỳ đầu sáng tác, do ảnh hưởng của Tân cổ điển nên ông vẽ màu hơi tối nhưng hình và bố cục rất chặt chẽ. Ở bức "Chiếc thuyền của Dante"Delacroix dựa vào phần đầu trong trường ca "Thần khúc" vẽ hai thi sĩ Dante và Viergil đi thuyền qua cõi âm nhìn thấy những người dưới địa ngục chịu cực hình rất khốn khổ và đầy dằn vặt về nội tâm. Bức tranh gây được sự xúc động lớn đối với người xem.

Thảm sát ở Chios

     Nhờ sự khích lệ ấy, Delacroix tiếp tục vẽ một bức tranh lớn hơn: "Cuộc thảm sát ở Chios". Bức tranh miêu tả cảnh 2 vạn người Hy Lạp đấu tranh với sự áp bức của Thổ Nhĩ Kỳ bị bọn chiếm đóng thảm sát ở chân đảo Chios. Về mặt nghệ thuật, Delacroix càng đi theo hướng phá rào của Géricault với bút pháp tự do và đặc biệt là chất sống bi tráng hừng hực của những con người này.

                               1827 Delacroix: Cái chết của Sacdanapale

     Năm 1825, Delacroix phát hiện được cách dùng màu của người Anh tươi sáng (xem tranh Delaroche ở trên) trong khi tranh của mình vẫn bị tối tăm. Sau chuyến đi Anh, màu sắc của Dalacroix thay đổi hẳn. Và ông áp dụng cách dùng màu đó vào bức "Cái chết của Sacdanapale". Sacdanapale là một hoàng đế vào thời cổ ở Ba tư, triều đại Acxêri. Hoàng đế này thất bại trong một cuộc tranh quyền và buộc phải chết, khi đó ông ta còn bắt tùy tùng hành quyết tất cả số cung nữ trong triều. Bức tranh thực sự gây xúc động bởi màu sắc rực rỡ, gây ấn tượng bạo tàn về sự hủy diệt cái đẹp, thể hiện tính kịch rõ rệt, điểm phát xuất của Chủ nghĩa Lãng mạn. Delacroix luôn quan niệm, hình họa không cần quan tâm nhiều vì lý do con người luôn luôn trong trạng thái động, mà nếu quá chú ý sẽ thành tĩnh mất. Nó chỉ là dáng mà không là sự sống, màu sắc mới là quan trọng, vì cảnh vật, con người đều biểu lộ một vẻ đẹp, đáng chú ý nhất là về thiên nhiên, y phục.

Delacroix: Tự do dẫn dắt nhân dân

     Ở 32 tuổi, Delacroix cũng bị dày vò bởi căn bệnh lao phổi, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác. Bức tranh tiêu biểu "Tự do dẫn dắt nhân dân" miêu tả một người phụ nữ tay cầm cờ cùng một chú bé hăng hái tiến lên trên chiến lũy. Màu sắc trong tranh có phần tươi sáng hơn, kết hợp với những con người linh hoạt tạo thế động.

Hổ và sư tử

     Năm 1852, ông đi Bắc Phi. Lần đầu tiên tiếp xúc Phương Đông, ông thấy cái gì cũng lạ, làm việc hăng hái và ghi chép cẩn thận để có một số phác thảo, ký họa đem về. Sau đó, ông lần lượt thể hiện thành tranh sơn dầu như bức "Hổ và sư tử", "Đám cưới Maroc", "Những người phụ nữ Angiê ở trong nhà"... Những bức này ông vẽ theo trí nhớ và tài liệu ghi chép nên mới trông thì có vẻ sinh động, thoáng đạt, nhưng xem kỹ thì thấy có nhiều nhược điểm. Ingres, trong cuộc tranh luận với Delacroix, cho rằng không quan tâm đến hình họa thì không có sự lôi cuốn bởi cái đẹp của hội họa là hình. Hình không tốt thì cũng giống như trong văn học dùng lời lẽ, từ ngữ không chính xác.

     Theo chủ trương của Delacroix thì nghệ thuật phải là sự ứng tác. Làm sao mình suy nghĩ, mình cảm thấy gì thì thể hiện được ngay, còn phải chuẩn bị để cho đủ điều kiện rồi mới sáng tác thì nguồn cảm hứng sẽ cạn. Bên cạnh đó, cách sử dụng màu của Delacroix chịu ảnh hưởng của Rubens, cộng với sự quan sát thiên nhiên, đó cũng là khởi điểm cho cuộc thử nghiệm cách dùng màu bổ sung và đặt kề nhau. Cách dùng này đã tạo khiếu trừu tượng cho tác giả. Như vậy, tinh thần hài hòa để ghi nhận thiên nhiên bằng màu, chứng tỏ người nghệ sĩ đã phải quan sát thiên nhiên một cách kỹ càng. Ông đặt cả thiên nhiên vào bức vẽ mà trong đó sáng tối phải như thật.

1833 Delaroche: Chặt đầu bà Jane Grey

     Delacroix qua đời ngày 13/08/1863, để lại hơn 800 bức tranh tường và tranh đơn, hơn 600 hình họa và 100 tranh in trên đá. Cùng thời ông còn có họa sĩ Paul Delaroche(1797-1856). Và tới mãi sau này, những ảnh hưởng của hội họa lãng mạn Pháp vẫn được nhiều trường phái khác áp dụng.

Xem thêm:

Eugène Delacroix (1798-1863)

Hội hoạ phương Tây: trường phái Ấn tượng

Hội hoạ thời Rococo