LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT Ý

 LÊ THỊ BÍCH HƯỜNG

I. NGUỒN GỐC VÀ CÁC TRƯỜNG PHÁI NGHỆ THUẬT

     Nghệ thuật La mã đặc trưng cho thời kỳ cổ đại. Xã hội La mã chủ yếu là tầng lớp thượng lưu, ảnh hưởng văn hóa Hy lạp và Etrus, chính vì vậy mà nghệ thuật La mã tập trung vào trang trí nội thất với mục đích là để tôn vinh đế chế La mã và cá thể. Đặc điểm chủ đạo là vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng, các tướng lĩnh, điêu khắc nổi miêu tả các sự kiện lịch sử và tranh phong cảnh. Nghệ thuật phục vụ cho Nhà nước thời đó và thể hiện sự vĩ đại của đế chế La mã.

     Thật vậy, ngay từ giai đoạn cộng hòa, trong một số thành cổ nổi tiếng đã có mốt vẽ chân dung một số nhân vật quan trọng một cách rất trung thực từ khuôn mặt đến hình dáng. Thành La mã thực sự muốn các danh nhân của mình luôn được đời sau nhớ đến và không bao giờ bị rơi vào quên lãng. Dưới thời Đế chế, nghệ thuật đã trở thành công cụ chính thức để tôn vinh các vị hoàng đế và thế lực của La Mã.

     Nghệ thuật điêu khắc La mã cũng được thể hiện ở các chạm trổ chìm và nổi ở các đồ vật lịch sử hoặc các trích đoạn huyền thoại. Bàn thờ hòa bình Ara Pacis ở thế kỷ thứ nhất trước công nguyên là một ví dụ điển hình về các chạm trổ đẹp ở mức tuyệt tác. Rồi các cột tưởng niệm các hoàng đế Traino, Antonio và Marco Aurelio được dựng lên ngợi ca chiến thắng của thành Roma chống ngoại xâm cùng với các khải hoàn môn được trang trí điêu khắc tuyệt hảo.

 

Bàn thờ Ara Pacis

 

     Bàn thờ Ara Pacis là một khối hình chữ nhật (m 11,65 x 10,62 x h 3.68) xây trên một bệ lớn. Ở hai cạnh ngắn có trổ hai cửa . Bên ngoài có bậc thang lên nối với bậc lan can nhỏ ở phía bên trong dẫn đến bàn thờ chính. Bàn thờ có trang trí hình ảnh thiếu nữ đi trên guốc mộc còn phía bên ngoài được trạm khắc nổi rất tao nhã miêu tả cảnh tế thần với các nữ tu sĩ trinh tiết và giáo hoàng Massimo .

     Còn về phần hội họa mỹ thuật, dấu ấn hội họa la mã đã để lại rõ nét nhất ở trong các hình vẽ affresco* trên mái, tường trong các tòa nhà ở thành phố Ercolano và      Pompei (miền nam nước Ý), ở các đồ vật đặc biệt ưa chuộng chủ yếu lấy cảm hứng từ các thần thoại và ở cả các tranh phong cảnh. Trang trí mosaici** đóng vai trò đáng kể trong nghệ thuật La mã được thực hiện trên nền nhà và tường nhà.

     Các hình mosaici La mã đẹp nhất tìm thấy ở miền Nam nước ý như ở Biệt thự Casale (Villa del Casale), như ở Quảng trường Armerina (Sicilia), ở Pompei và Ercolano và như ở Nhà tắm hơi công cộng Caracalla ( Terme di Caracalla). Các hình mosaici này thường vẽ cảnh đi săn hoặc trích đoạn các truyền thuyết như ở biệt thự ở Quảng trường Armerina hay vẽ các tĩnh vật và cả những cảnh hứng cảm, gợi tình như ở Pompei . Các đấu sĩ la mã hay hoạt động thể thao cũng là một trong những cảnh hay được thể hiện như ỏ trong các nhà tắm hơi công cộng Caracalla.

Nghệ thuật Bizantin

     Năm 385 đế chế La mã tách ra làm hai, Đế chế La mã Phương đông và đế chế La mã Phương tây và thủ đô chuyển dời từ Roma sang Bisanzio, lấy từ tên của hoàng đế Costantinopoli. Sau khi vị hoàng đế này mất, đế chế bắt đầu quá trình phân tách và đã đưa đến việc xây dựng đế chế la mã phương đông mà thủ đô là Costantinopoli, và đế chế la mã Phương tây mà thủ đô là Roma. Đế chế la mã phương tây bị kẻ ngoại xâm lấn chiếm vào năm 476 sau công nguyên. Còn đế chế la mã phương đông "bizantin" thì còn sống sót mãi cho đến thế kỷ thứ XVI mới bị diệt vong do quân ottomani chinh phạt. Nghệ thuật Bizantin xuất hiện thời Costantinopoli từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên kéo dài cho đến 1453. Mục đích của nền nghệ thuật này là giáo dục các con chiên ngoan đạo theo hướng tôn giáo. Nghệ thuật phải biểu hiện thần linh dưới dạng trừu tượng và phi vật chất . Trên các khuôn mặt không hề thể hiện một sắc thái, biểu cảm nào. Các tác phẩm tiêu biểu của hội họa theo trường phái Bizantine là các tranh thánh Icone*** Đức mẹ đồng trinh Maria , chúa Gê -su và các đức thánh. Kỹ thuật tiêu biểu của nghệ thuật này là mosaico trang trí, tranh ghép mảnh.

* Affresco: từ tiếng ý lấy từ chữ fresco có nghĩa là "tươi", mới. Thực vậy, kỹ thuật của việc vẽ các loại tranh này là họa sĩ trước khi vẽ có trát một lớp vữa nên trần hoặc tường nhà nơi định vẽ và khi vữa vẫn còn ướt ( tươi) họa sĩ đã vẽ lên trên nền vữa đó và sau đó để cho khô với các hình vẽ của mình.

* *mosaici : các hình ve lam bang đá bé ghép lại với nhau

***Icone: các tác phẩm vẽ trên gỗ, có trát các lớp nhũ màu vàng. Thường là các bức họa về đức mẹ đồng trinh, một nghệ thuật rất phổ biến ở Nga

     Để làm cho thế giới tâm linh trở cao siêu, người ta đã sử dụng mosaici với các miếng đá thủy tinh nhiều màu lấp lánh và cộng hưởng với ánh sáng trong nhà thờ để cho đồ vật trở nên linh thiêng và huyền bí.

     Năm 404 sau công nguyên, thành phố Ravena trở thành thủ đô của Đế chế Phương tây.

     Ở thành phố này, nội thất các nhà thờ được trang trí mosaici dát vàng để nhấn mạnh vẻ đẹp huy hoàng của tâm hồn so với thể xác và một ví dụ tiêu biểu là nhà thánh Sant'Appollinare in Classe mà ta sẽ nhìn thấy dưới đây, trong hình minh họa.

 

Basilica di Sant'Appollinare in Classe (Ravenna)

     Nhà thờ này là một kiến trúc quan trọng nhất trong lịch sử công giáo. Thực vậy, đây là một tài liệu về cuộc đời tôn giáo của các giáo dân đầu tiên. Nhà thờ được xây trên mộ của vị Giám mục đầu tiên của cố đô Ravena và là người tử vì đạo - Thánh. Phía bên trong nhà thờ có 24 cột đá Hy lạp, tường được gắn các bộ hài cốt của các giáo sĩ thời đấy. Vòm cầu nguyện được bao bọc bởi các hình ghép mosaici bằng thủy tinh màu tuyệt đẹp được lắp ghép qua nhiều thời kỳ. Trên nền, nơi Thánh Apollinare bị hành quyết có đặt một bàn thờ cổ. Trên vòm có cây thánh giá được đặt một hình tròn. Xung quanh có các biểu tượng của các nhà truyền giáo Phúc lâm như chim đại bàng (Thánh Giovanni), thiên thần có cánh (Thánh Matteo), sư tử ( Thánh Marco) và bò tót ( Thánh Luca) . Bên dưới là thánh Apollinare, đứng trên một thảm cỏ đầy hoa, hình tượng thôn dã của Thiên đường và 12 con cừu đang tiến lại gần thánh, đại diện cho nhà thờ Ravenna đang làm lễ.

 

Nghệ thuật Gô tíc

     Gô tích xuất xứ từ Pháp khoảng giữa thế kỷ thứ XII và phát triển nhanh chóng ở Ý. Trong nghệ thuật kiến trúc, mái của nhiều nhà thờ lớn đã được xây thành hình vòm làm cho cả tòa nhà trở nên thanh thoát và phía bên trong cũng như bên ngoài được trang trí tuyệt mỹ.

     Còn một ví dụ điển hình cho nền nghệ thuật này là nhà thòa chính ở Milăng Il duomo di Milano). Đây là nhà thờ đầu tiên ở Ý được thiết kế theo kiểu Gô tích và có lẽ việc xây dựng kéo dài 5 thế kỷ liền của nhà thờ này đã đóng góp một phần vào việc truyền bá kiến trúc Gô tích ở Ý.

 

Nhà thờ chính ở Milan

Về hội họa, nghệ sĩ đại diện cho trường phái gô tích Ý là họa sĩ Giotto. Chịu ảnh hưởng của các họa sĩ theo trường phái Bizantin, đặc biệt ở cách phối màu, nhưng ông có công lao rất lớn ở chỗ làm làm cho các bức tranh sống động và chân thực hơn. Ông đã từng làm việc tại Roma, Firenze, Napoli, Assisi và ở Padova. Năm 1300, ông được dòng tộc Scrovegni mời đến vẽ những bức tranh affreschi trong nhà cầu nguyện của dòng tộc ( Capella degli Scrovegni ) ở Padova, miền bắc nước Ý.

 

(Capella degli Scrovegni)

 

     Công việc vẽ các tranh Affreschi ở tường và trần ở nhà cầu nguyện kéo dài 2 năm, từ 1303 đến 1305.

     Đây là một trong những tác phẩm tuyệt tác nhất của nghệ thuật Ý. Các bức vẽ trên tường mô tả về cuộc đời của Đức mẹ đồng trinh còn bề mặt của bức tường phía đằng trước có vẽ cảnh " Phán quyết cuối cùng của nhân loại"

     Các nhân vật của Giotto gần với thực tế: các khuôn mặt thể hiện những tình cảm của mình: vui, buồn, đau khổ, phản bội, hiếu kỳ.....
Những tư tưởng của hội họa Gôtíc miền Bắc bắt đầu có ảnh hưởng đến các nghệ nhân ở miền nam, đặc biệt là đến các họa sĩ thành phố Siena. Những danh họa quan trọng là Duccio da Boninsegna và Simone Martini. Bức họa Lễ truyền tin dưới đây là một ví dụ điển hình.

 

     Bức vẽ trên bàn thờ Chúa của hai danh họa Simone Martini và Lippo Memmi ( 1333) cho nhà thờ thành phố Siena. Bức tranh vẽ cảnh tổng thiên thần Gabriele đến từ   Thiên đàng để chào Đức mẹ Madona. Một tay cầm cành cây ô liu, tượng trưng cho hòa bình.

Thời kỳ phục hưng

     Khi mốn khen ngợi nghệ sĩ tài năng, ở Ý thường hay có câu nói "vĩ đại như các nhà nghệ sĩ thời cổ". Đã nói đến Phục hưng tức là nói đên hồi sinh. Bất kỳ một người dân Ý đều nhận thức được là Italia với thủ đô Roma, đã từng là trung tâm của thế giới trong suốt các đế chế La mã, và đều muốn hồi sinh lại sự vĩ đại này.

     Thành phố đóng góp nhiều nhất cho thời kỳ rực rỡ của nghệ thuật này là Firenze ( tiếng Pháp là Florence), thành phố của những thương gia

      Đây là quê hương của nhóm nghệ sĩ đã tạo ra nền nghệ thuật mới và đoạn tuyệt hoàn toàn với những chuẩn mực của quá khứ.

     Nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời đó là Filippo Brunelleschi (1377 - 1446).

     Người dân của thành phố này muốn một nhà thờ to với phần đỉnh chóp tròn vĩ đại. Có điều chưa có một nghệ sĩ nào có thể thiết kế một dự án khó đến như vậy. Brunelleschi, với sự hiểu biết của mình về kiến trúc của thời gotich và những di tích của các đền và các tòa lâu đài thời La mã, đã xây dựng thành công một nhà thờ với phần chóp tròn cao nhất đã trở thành niềm kiêu hãnh của mọi người dân thành Firenze.

 

Nhà thờ chính ở Firenze ( phần chi tiết của chóp tròn) do Bruneschi thiết kế

 

     Bruneschi không phải chỉ là một nhà kiến trúc thiên tài. Trong hội họa, ông đã sáng tạo ra được ảo ảnh chiều sâu làm cho các đồ vật trở nên bé nhỏ đến nỗi tưởng như biến đi mất nơi chân trời. Đây luôn là một vấn đề nan giải đối với các nhà nghệ sĩ thời đó. Chính Bruneschi đã đưa ra công thức toán học để giải quyết vấn đề hóc búa này .

     Một trong những bức tranh đầu tiên được thực hiện với kỹ thuật mới này là Trinita của Massacio. Ta có thể tưởng tượng được ra sự ngạc nhiên như thế nào của người dân thành phố khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh này. Mọi người nhìn tranh lại cứ ngỡ là có một cái lỗ hổng ở trong bức tường mà qua đó nhìn thấy một phòng cầu nguyện khác. Ảo ảnh được sinh ra như thế đấy!

 

Masaccio - La Trinità (lễ Chúa ba ngôi)


    Trong những thập niên của năm 1400 , ngoài công việc trang tri thánh đường, các nghệ sĩ bắt đầu vẽ cho cả những nhà sưu tầm tư. Các người này bắt đầu đặt các bức tranh không phải là đồ thánh. Đó là nhóm người giàu có, sống trong những tòa lâu đài đẹp tuyệt vời và muốn các nghệ sĩ trang trí làm đẹp nhà mình, như vẽ các ngăn kéo, đĩa, xong nồi và tường với các hình vẽ sinh động và theo huyền thoại. Những chủ đề này thường lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Petrarca và Boccaccio.

     Để làm hài lòng nhu cầu, nguyện ước về vinh quang và danh tiếng của các ngài quý tộc giàu có này, nghệ thuật tranh chân dung phát triển rầm rộ trong giai đoạn này

     Để tưởng nhớ đến các nhân vật nổi tiếng và các sự kiện lịch sử, đã xuất hiện các đồng tiền với các hình rất đẹp . Đây là một nghệ thuật đã có từ thời La mã. Các họa sĩ như Piero della Francesca, Mantegna và Botticelli là những bậc thầy của nghệ thuật vẽ chân dung. Họ vẽ các chiến binh, các phu nhân, công tước, công nương, trên nền phông sáng và rực rỡ .

     Gia đình nổi tiếng nhất ở thành Fizenze là hộ tộc Medici đã thành công trong việc tụ tập xung quanh mình một nhóm các nhà thơ, triết học và nghệ sĩ bao gồm những người nổi tiếng nhất thời đó là Botticelli và Machelangelo.

Dưới đây là ví dụ về nghệ thuật vẽ chân dung của họa sĩ bậc thầy Piero della Francesca

 

Bức chân dung Guido da Montefeltro


  Các thành phố khác đã từng là trung tâm nghệ thuật quan trọng như Mantova, Urbino, Rimini, Milano và Napoli. Nơi đây đã từng đón tiếp các nghệ sĩ danh tiếng như Piero della Francesca, Mantegna, Antonello da Mesina và Leonardo.

   Vào đầu năm 1500, trung tâm nghệ thuật chuyển từ Firenze về Roma. Đây là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Ý, một trong thời kỳ vĩ đại nhất trong tất cả các thời. Đó là thời của Leonardo, Raffaello, Tinzian, Correggo và Giorgione.

   Về kiến trúc, các nghệ sĩ trong khi xây dựng các công trình công cộng hay nhà thờ tôn giáo, đều tìm kiếm vẻ đẹp và sự hài hòa của hình dáng cũng như sự hoàn thiện của các đường trang trí. Có thời kỳ kỳ diệu này cũng nhờ vào việc các thương gia giàu sụ và các nhà thờ sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ để xây các tòa nhà cũng như các đài lưu niệm để lưu danh tên tuổi của họ. Một trong các kiến trúc sư nổi tiếng đó là Bramante. Dự án của ông là xây một Tòa thánh cực lớn, đề tặng cho thánh Pietro, đã gây ấn tượng mạnh cho các lữ khách khi đến Roma. Rất đáng tiếc là Tòa thánh mà nhà kiến thúc đáng lẽ phải xây không được hoàn thành vì Giáo hoàng thời đấy hết tiền. Tòa thánh S. pietro ( tức tòa thánh Va-ti-căng) sau đó được hoàn thiện nhờ vào một dự án khác và luôn là một trong những nhà thờ đẹp và lớn thế giới.

 

 

Basilica di San Pietro o Roma


Trong thời kỳ này, bắt đầu nghe nói đến "thành phố lý tưởng". Con người là trung tâm của vũ trụ, các thành phố trở thành một nơi có thể sống trong sự hòa đồng.

     Các nghệ sĩ bắt đầu vẽ các thành phố lý tưởng tưởng tượng. Dự án này đã thực hiện ở một thành phố nhỏ cạnh thành phố Siena. Giáo hoàng Pio đệ nhị Piccolomini đã giao phó cho kiến trúc sư Benardo Rosellino việc trùng tu lại thành phố quê hương của mình sau mang tên Pienza. Toàn bộ phần trung tâm, trên đỉnh một quả đồi đã bị đập bỏ và xây lại theo những lời chỉ dẫn của kiến trúc sư nổi tiếng Leon Battista Alberti mà theo ông thì các thành phố phải có các đường phố chính thì phải thẳng và đều quy tụ vào quảng trường theo mẫu của các Fori la mã ( trung tâm thành phố cổ La mã). Các đường phụ có thể quanh co vòng vèo như các đường phố thời trung cổ.    Điều quan trọng mà các danh họa quan tâm là vẽ quảng trường, nơi tụ tập và hội họp của cộng đồng cư thời đó. Lối vào quảng trường là từ các đường phố chật và thẳng. Quảng trường phải hiện ra bất thình lình, làm cho khách đi đường phải kinh ngạc trước vẻ đẹp và những khoảng không gian rộng mênh mông hiện lên trên trước mắt họ. Rất nhiều họa sĩ thời này bắt đầu vẽ các thành phố lý tưởng của mình. Một trong những bức ảnh đẹp nhất là do các môn đệ của nghệ sĩ thiên tài Piero della Francesca thể hiện

 

Thành phố lý tưởng

Bức ảnh Thành phố lý tưởng của Trường Pietro della Francesca mà chúng ta nhìn trên đây là tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật Ý trong thời kỳ này vì đã biểu hiện một thành phố lý tưởng theo các nguyên tắc lấy cảm hứng từ thời Phục hưng. Theo hình vẽ, các đường phố thẳng và cắt nhau ở nơi có quảng trường, một điểm hội tụ của các hoạt động xã hội . Bao quanh quảng trường là các nhà dân cư và ở chính giữa quảng trường là một tòa nhà nguy nga tráng lệ.

Nghệ thuật kiểu cách

Các hậu bối của các nhà nghệ sĩ thiên tài tìm kiếm những ý tưởng mới và phong cách kế tiếp thời phục hưng được gọi là Nghệ thuật kiểu cách bắt đầu từ đầu năm 1600. Trung tâm của trường phải mới này là ở Venezia. Các nghệ sĩ lớn như Tiziano, Veronese, Tintoretto đã thổi sinh khí mới vào ngòi bút trên giá vẽ.

II. NGHỆ SĨ

Như Will Oscar đã tùng nói : Người nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đep. Nói đến nghệ thuật mà không nhắc đến nghệ sĩ thì đương nhiên là sẽ không có nghệ thuật, trong phần này tôi xin giới thiệu đôi điều về một vài nghệ sĩ với các tác phẩm nổi tiếng của họ

Leonardo da Vinci ( 1452-1519) là một trong những nhân tài của tất cả mọi thời đại. Ông là nhà họa sĩ nhưng cũng là nhà điêu khắc, một kiến trúc sư, một nhà chế tác. Là người đi trước thời gian. Là một người mơ mộng. Đã sáng chế ra một máy bay, một xe tăng. Và cũng là người ham hiểu sâu sắc về giải phẫu người., những hiểu biết này giúp ông vẽ cơ thể con người. Một trong những kiệt tác của ông là "l´ultima cena" ( bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Gêsu), một bức tranh tường đang được lưu giữ ở Thành phố công nghiệp nổi tiếng Milano.

 

 

Leonardo "L'Ultima Cena"- Leonardo với tác phẩm "Bữa cơm tối cuối cùng của Chúa Giê su"


Bức tranh miêu tả bữa cơm tối cuối cùng của Chúa Gê su cùng 12 thánh tông đồ trước khi Chúa bị đóng đinh lên cây thánh giá. Trong bức ảnh nổi tiếng này có phần đổi mới về style của Leonardo. Ông đã đề cập đến một đề tài rất chung nhưng cách vẽ lại hoàn toàn khác hẳn. Thay vì vẽ 12 thánh tông đồ riêng lẻ, ông đã vẽ họ cụm lại thành ba nhóm, còn để cho Đức chúa lẻ loi một mình giữa bức tranh. Chúa đại diện cho sự bình thản, bất động, trong khi đó các tông đồ đã biểu lộ sự hốt hoảng sau khi được nghe lời phán khủng khiếp là một trong số họ sẽ phản bội lại Chúa.

Hình người theo mô tả của Vitruvius

 

 

Leonardo, l'Uomo Vitruviano

Bức vẽ muốn thể hiện sự trung tâm của con người. Ngày nay mọi công dân Ý hay ở nhiều nước châu Âu khác luôn có hìn ảnh này trong túi, chỉ đơn giản là nó đã được in ấn trên đồng 1 euro.

Leonardo đã thực hiện bức vẽ này vào năm 1490, lấy nguồn cảm hứng từ bài viết của nhà kiến trúc sư lừng danh thời la mã là ông Vitruvio trong tập sách " De Architecture", viết về sự cân xứng của con người. Leonardo viết: "Vetruvio đã viết trong sách về kiến trúc của mình là các số đo của con người được tự nhiên phân phát như vây. Theo tự nhiên thì trung tâm của cơ thể là cái rốn; thật vậy, nếu một người nằm dang tay chân ra và nếu lấy rốn làm tâm vẽ một vòng tròn thì tất cả các đầu ngón chân và ngón tay đều nằm trên đường tròn đó. Cũng như đường tròn ta có thể tìm thấy một hình vuông tương ứng với cơ thể con người nếu lấy khoảng cách từ gan bàn chân tới đỉnh đầu làm số đo thì nó sẽ bằng đúng với độ dài của hai sải tay, như vậy đầu, chân và các ngón tay lại nằm trên hình vuông đó.

Và con người do Leonardo tạo ra thật là hoàn thiện, đứng thẳng, hai tay và chân dang rộng, hoàn hảo trong hai hình: hình tròn và hình vuông. Hình ảnh nổi tiếng này được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Venise


Họa sĩ Sandro Botticelli

 

BỨC TRANH THẦN VỆ NỮ (Firenze năm 1445 - 1510)


Chủ đề của bức tranh là "Nascita di Venere " (Sự ra đời của Thần Vệ nữ) . Venere, là nữ thần sắc đẹp thời Hy lạp và La mã cổ, nàng không chỉ thể hiện sự hòa hợp giữa thần linh và con người trần thế, mà còn thể hiện ước ao của các nhà trí thức và các nghệ sĩ thời bấy giờ là sự tái sinh cuả văn học, nghệ thuật, cái đẹp của thế giới cổ điển trong một thế giới mà nay đã trở thành thế giới của Tin lành. Venere sinh ra từ bọt biển và đứng tựa vào vỏ sò. Một bên là Thần gió Zefiro và Nữ thần Clori, còn bên kia là nữ thần hoa súng ( ninfa) đang đưa cho Thần vệ nữ áo choàng để phủ vào người, xung quanh nàng, trong không gian bao phủ bởi các bông hoa sắc màu rực rỡ đang bay. Venere khỏa thân, chẳng có gì ngoài bộ tóc dài che phủ chỗ kín, nàng là hiện thân của sự thanh khiết của tâm hồn, trong khi đó việc nàng sinh ra từ nước đã thể hiện tâm hồn đã rửa tội. Chiều sâu của bức tranh ( viễn ảnh) được tạo nên bởi đường thẳng nơi chân trời chia mặt đất và biển tách ra khỏi trời.
Ngoài tranh vẽ ra còn có
bản khắc nổi. Bức tranh được trưng bày ở tòa nhà Uffizi, thành phố Firenze.

Họa sĩ Raffaello

1. "Chuyển thi hài của Chúa Gesu từ cây thánh giá xuống" , tranh sơn dầu trên gỗ, khổ 184 x 176cm, thực hiện năm 1507, hiện đang được lưu giữ ở Galleria Borghese ở Roma.

 

"Chuyển thi hài của Chúa Gesu từ cây thánh giá xuống" là một bức tranh sơn dầu vẽ trên gỗ của Rafaello năm 1507. Ngày nay được lưu giữ ở Triển lãm Borghese ở Roma.

Bức tranh này được vẽ theo đơn đặt hàng của nhà quý tộc Atalanta baglioni để tưởng nhớ đến người con trai của mình đã tử trận trong nội chiến ở thành Perugia. Tác phẩm đã lấy nguồn cảm hứng từ hầm mộ ở thành cổ La mã mà Rafaello đã được mục kích. Ở đây là cảnh Chúa Gê su vừa được đưa từ cây thánh giá để đem đi chôn. Cây thánh giá được vẽ ở phía xa, phần cuối cùng bức tranh. Đức mẹ Maria, ở giữa nhóm người, vừa âu yếm vừa thương xót vuốt ve thi hài của đứa con mình. Xa xa là phong cảnh hiền hòa của vùng Umbria, quê hương của họa sĩ.

2. Bức tranh "Sự biến thân của chúa" - tranh sơn dầu trên gỗ (405 x 278 cm) thực hiện năm 1518 - 1520. Hiện nay đang được lưu giữ tại Pinacoteca Vatican ở thành phố Vatican..

Đây là tác phẩm Rafaello theo đơn đặt hàng của Hồng y giáo chủ Giulio de Medici mà sau đó được phong lên làm giáo hoàng Clemente VII. Bức tranh này đã thể hiện một thể loại mới của hội họa mà sau đó được các họa sĩ khác mô phỏng theo trong suốt nhiều thập niên của những năm 1500. Bức tranh được chia làm hai phần: Phần trên là cảnh Gesu hóa thân thành Chúa trời trước sự chứng kiến của Mose, Elia và 3 thánh tông đồ khác.
Phần dưới bức tranh là những thánh tông đồ còn lại cùng thân nhân đang hốt hoảng chứng kiến cảnh chàng trai trẻ bị quỷ sa tăng nhập tràng. Và sau đó một điều kỳ diệu đã xảy ra là cậu bé đã được Chúa trời giải thoát. Bức tranh rất sinh động với những động thái, cử chỉ của các nhân vật trong ảnh. Đây là tác phẩm được coi là tuyệt tác của Rafaffaelo. Nghệ sĩ đã thành công trong việc thể hiện được một sự kiện đặc biệt , một điều kỳ diệu bằng một phút pháp cực kỳ đơn giản. Và đây chính là điều kỳ diệu của người họa sĩ tài ba này. Đây là tác phẩm cuối cùng của danh họa Raffaelo, được vẽ cho đến khi mất ở tuổi 36 tuổi. Việc ra đi của chàng họa sĩ trẻ tuổi này đã làm xôn xao cả tòa thánh vaticăng và tất cả giới trí thức Ý. Một thi sĩ vì ái mộ chàng, đã viết lên trên mộ người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh những vần thơ như sau:

Yên nghỉ nơi đây một thiên tài
Đất Trời run rẩy dưới chân ai
Tạo Hóa trước Người luôn gục ngã
Bỗng muốn theo Người về cõi hư vô*


Thậy vậy, Tạo Hóa đã từng ghen tị tài năng của chàng lúc đương thời, nay thấy chàng ra đi thì cũng cảm thấy cuộc đời trở nên vô vị vắng thiếu những tác phẩm tuyệt tác của chàng, chẳng còn ai tôn vinh cho tạo hóa được nữa.
*Thơ do Nguyễn Thăng Long dịch

Họa sĩ TIZIANO
Bức tranh Pala* Pesaro

Sau thành phố Firenze và Roma, còn có một thành phố quan trọng khác đối với nghệ thuật Phục hưng ở Ý:  Venezia.

Không gian ở vùng đầm lầy làm cho cảnh vật ở đây trở nên mờ ảo, không rõ nét. Cũng chính vì lý do đó mà các họa sĩ Venezia không thích thể hiện các tác phẩm cảu mình bằng đường vẽ sắc nét mà luôn sử dụng những mảng màu khuyếch tán, lan tỏa. Một trong những danh họa quan trọng nhất thời đó là Tizano, nổi tiếng đến nỗi mà khi bút vẽ của ông rơi xuống, Hoàng đế Carlo đệ V° đã phải cúi xuống nhặt và đưa cho ông. Michelangelo nổi tiếng về hình họa, còn Tiziano thì nổi tiếng về phối màu.
Một ví dụ về sự điêu nghệ ấy của ông trong tác phẩm "Pala Pesaro". Bức ảnh này được Tiziano vẽ để tỏ lòng biết ơn vị tướng Jacopo Pesaro trong cuộc chiến thắng chống quân Thổ Nhĩ Kỳ. Vị tướng quỳ gối trước đức mẹ đồng trinh Maria, trong khi ở đằng sau có kéo theo một tù nhân Thổ. Đức mẹ và Thánh S.Pietro nhìn tướng Pesaro, còn hài đồng Gesu thì đang lấy chân đùa với thánh Francesco. Ở phía dưới bên phải là các gia quyến của tướng Pesaro. Tất cả cảnh này được vẽ trong không gian kín giữa hai cột đồ sộ và hai thiên thần đang nâng cây thánh giá - khổ hình của Chúa Gêsu trong mây. Bức ảnh được vẽ bằng một bố cục gợi mở cho cảm giác có thể mở rộng bức ảnh sang bên phải, bên trái hay phía trên. Lá cờ có gắn huy hiệu dòng tộc Pesaro. Các thánh đồ được thể hiện rất tự nhiên. Ở đây tác giả đã sử dụng màu sắc tương phản ở chỗ là khuôn mặt của các nhân vật thì mờ ảo còn các nếp gấp trên trang phục thì được vẽ bằng các màu sáng rõ. Thời ấy, khi xem bức tranh này, mọi người đều ngạc nhiên vì Tiziano đã đảo lộn những nguyên tắc của kết cấu viễn cảnh. Bức tranh hình như bị xô lệch sang bên phải nhưng nhờ vào màu sắc, không gian và ánh sáng đã đem lại sự thống nhất và hài hòa cho bức tranh.

 

Bức tranh " Pala Pesaro" tranh vải sơn dầu, 478 × 268 m - vẽ năm 1519 - 1526, đang được lưu giữ ở Nhà thờ Santa Maria gloriosa dei Frari ở Venezia

.
T.B. Pala có nghĩa là tranh vẽ rất to, gắn ở trong nhà thờ.

Bức tranh Giáo hoàng Paolo III và hai cháu Alessandro e Ottavio Farnese
Tiziano nổi tiếng thời đó trong số các bạn đồng niên vì những bức vẽ chân dung của mình. Các nhân vật của ông không được miêu tả về hình dạng một cách tỷ mỉ nhưng đầy sống động và cho cảm giác đang nhìn người đang ngắm bức tranh với cái nhìn sâu thẳm, hút hồn làm cho không ai có thể nghĩ được rằng những con mắt ấy không gì khác ngoài một ít đất màu được trát trên vải.

Bức tranh Giáo hoàng Paolo III và hai cháu Alessandro e Ottavio Farnese mà chúng ta nhìn dưới đây được coi là một trong những tác phẩm kỳ diệu nhất trong lịch sử vẽ tranh chân dung của mọi thời đại. Đây là bức họa Giáo hoàng Paolo đệ Tam, lưng còng ngồi trên ghế cùng với hai đứa cháu.
Có lẽ Tiziano bắt đầu vẽ bức họa này ở Roma vào cuối năm 1545, thể hiện chân dung của vị giáo hoàng lúc đó đã là 77 tuổi và 2 cháu mà mọi tham vọng của tương lai gia tộc đều sẽ phải trông cậy, gửi gắm vào đó.

 

Paolo III và hai người cháu Alessandro và Ottavio Farnese-
Tranh gỗ sơn dầu, 210 x 176cm, vẽ năm 1546, lưu trữ tại Viện bảo tàng Capodimonte ở Napoli( Nam Ý).


Trong tranh, phía bên trái là Alessandro, trong trang phục Hồng y giáo chủ, mắt lơ đãng nhìn ngườixem, tay phải đặt lên bệ ghế của Giáo Hoàng. Đây là người sẽ có một vai trò rất quan trọng trong Giáo hội. Ở bên kialà người em trẻ tuổi Ottavio đang cung kính cúi chào Giáo Hoàng. Đây là phu quân của công chúa Margherita, con gái Hoàng đế nước Áo Carlo V và đã được phong làm Bá tước cai quản một vùng mới được tạo ra giữaParma và Piacenza khi cha là Pierluigi từ trần. Trong bức vẽ chân dung này, Tiziano đã rất quan tâm đến mặt tâm lý của nhân vật, về những tham vọng, âm mưu của họ. Thực vậy, Ottavio tìm cách ám hại chính bố đẻ của mình vì những lý do chính trị. Đặc biệt là cái nhìn của vị Giáo Hoàng già nua như đang oán trách đứa cháu của mình. Họa sĩ sử dụng mạng màu đỏ đậm và có một vài nét chấm phá màu sáng.

Họa sĩ Caravaggio

Caravaggio là một họa sĩ vĩ đại nhất ỏ những năm 1600 của Ý. Ông đã trải qua một cuộc đời thăng trầm, bi thảm do tính cách thất thường và ngay cả tác phẩm của ông cũng kỳ lạ, khác người.

Ông đi tìm sự thật của cuộc đời trong tất cả những gì là xấu, sợ hãi, nghèo nàn, không tìm cái gọi là cái đẹp lý tưởng của người nghệ sĩ mà tìm cách đối mặt với những vấn đề về nghệ thuật trong một thế giới mới. Những người đồng niên thì cho rằng ông chỉ quan tâm đến việc gây scadal với độc giả, là người không tôn trọng cái đẹp cũng như truyền thống, nhưng ông là một họa sĩ quá vĩ đại vẽ chỉ để trêu ngươi người khác. Trong khi các danh họa lớn thời kỳ phục hưng vẽ tranh không người mẫu, Caravaggio vẽ các Đức mẹ hay các Thánh thần với khuôn mặt của các cô gái làng chơi mà họa sĩ quen biết hoặc những kẻ nghèo hèn tìm thấy trên đường phố để mang về nhà mình và vẽ chân dung của họ. Ngay cả quần áo của các vị thần linh cũng là những miếng vải rách rưới của những người nghèo, vì đối với nghệ sĩ tự nhiên là sắc đẹp mà ngay cả sự xấu xí và đau thương cũng có vẻ đẹp của nó. Ông rất thông thạo về Kinh thánh và các sự kiện thánh thần mà ông kể thì dễ hiểu, cứ như là xảy ra ngay nhà hàng xóm vậy. Ánh sáng thiên thần trong các tác phẩm của ông là ánh sáng rất mạnh, chói lòa, đã lột tả được tất cả các sự kiện trong sự sống sượng của nó. Điều này làm ông vượt xa các đồng niên của mình và cũng chính vì lẽ đó mà ông được các thế hệ sau ông đánh giá cao và đã trở thành mẫu người để họ noi theo.

 

Bức tranh "An táng Chúa Gêsu"


Đây là một trong số ít tác phẩm của ông được các đồng nghiệp đương thời đánh giá cao và đã gây cho Ruben một cảm hứng rất lớn đến nỗi ông ta đã vẽ ngay một phiên bản khác và đã khuyên hầu tước Gonzaga mua bức tranh này.
Kết cấu của cảnh và hình ảnh các nhân vật làm ta nhớ đến các tác phẩm của họa sĩ Michelangelo, người mà ông rất ngưỡng mộ: theo đường chéo, phía bên phải là hình Maria de Cleofa tay đang giơ lên trời, Maddalena đang ngồi khóc và Đức mẹ già nua đã kiệt nước mắt vì khóc thương.
Đưa thi hài vào hầm mộ là thánh Giovanni và Nicodemo, mà cái chân to khỏe của họ cũng đáng để ngắm nhìn bức tranh.

 

Bi kịch nhất là hình hài của Chúa Gê su: toàn thân nhợt nhạt, màu chết chóc, miệng vẫn còn hơi hé mở, ngón tay chỉ xuống nơi mà sẽ là hầm mộ của chính mình . Quả thật, đấy là tấm "đá góc móng" mà sau này trên tấm đá đó xây một nhà thờ tôn chúa giáo.

Cái chết của đức mẹ đồng trinh

 

 

Cái chết của Đức mẹ đồng trinh, tranh vải sơn dầu, cm 369 x 245, vẽ năm 1604, họa sĩ Caravaggio, lưu trữ tại Bảo tàng Louvre, Paris.


Bức tranh được ủy thác cho họa sĩ để trang trí nhà cầu nguyện tư của gia đình Lelmi, trong nhà thờ Santa Maria della Scala ở Roma.

 

Khi bức tranh được hoàn thiện thì bị chủ hàng từ chối vì Đức mẹ Đồng trinh không được vẽ theo kiểu truyền thống mà hoàn toàn khác hẳn. Maria trong tranh của Caravaggio với khuôn mặt trần thế, bàn tay bỏ thõng, bụng thì sưng phồng. Người đàn bà được vẽ trong tranh là một cô gái điếm bị chết đuối ở sông Tevere. Xác nàng trương phồng lên, nhưng điều đã gây ra scandal là bàn chân được vẽ trần lên đến tận mắt cá chân.

Cảnh được vẽ trong không gian tầm thường, nghèo hèn, ở giữa tranh có đặt thi hài của đức mẹ, gần sát cận là Maddalena, ngồi trên một cái nghế xoàng xĩnh, hai tay ôm đầu khóc, bên cạnh là các Thánh tông đồ đang đau khổ. Cảnh thì vẽ trong bóng tối và được lóe sáng duy nhất bởi màu đỏ của váy người chết và từ tấm phông rủ, một đồ vật duy nhất trong cảnh nghèo nàn này. Ngoài ánh sáng là điều kỳ diệu của bức tranh, còn có một điểm nữa là kết cấu đặc biệt của các nhân vật trong tranh: các thánh tông đồ, đứng thẳng hàng trước Đức mẹ cùng với thi hài và cánh tay buông thõng của người đã tạo thành một cây thánh giá hoàn hảo .

Để hiểu được bức tranh đó, cần phải biết rằng Caravaggio luôn gần gũi với những người nghèo và tham gia vào các phong trào tôn giáo tuyên truyền cho sự nghèo khổ tuyệt đối của các tu sĩ và các nhà thờ. Chính vì vậy mà nhà danh họa này sống trong một căn nhà rất nghèo nàn, chỉ có sách Thánh và một vài đồ cần thiết. Không gian trong ảnh rất giống nhà ở của họa sĩ.

Thất vọng vì bị từ chối tranh vẽ và sau đó ít lâu, một vụ án mạng xảy ra trong cuộc cãi lộn đã buộc Caravaggio phải từ bỏ Roma đi nơi khác ở.

Bức tranh này sau được Bá tước thành Mantova mua do Rubens dắt mối.