TRƯỜNG PHÁI
Nguyễn Đình Đăng
Thật không ngoa khi coi trắng là mẹ của tất cả các màu. Vào năm 1671, Isaac Newton phát hiện ra rằng chùm ánh sáng trắng khi đi qua một lăng kính thì “đẻ ra” bảy chùm ánh sáng màu là đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Bảy chùm ánh sáng màu này sau khi đi qua một lăng kính lộn ngược thì lại được hợp nhất thành chùm ánh sáng trắng1. Nói cách khác, theo luật cộng màu của ánh sáng thì trắng không phải là một màu mà là tổng hợp của tất cả các màu. Nhưng theo luật trừ màu của các màu hóa chất như màu vẽ thì không thể tạo ra màu trắng từ bất kỳ tổ hợp nào trong 7 màu nói trên. Trộn tất cả các màu hóa chất này với nhau ta chỉ được một màu xỉn bẩn, gần với màu đen vì màu hóa chất không tuyệt đối tinh khiết để ta có thể pha ra màu đen. Bởi vậy mà trong sơn dầu thì trắng được coi là màu. Màu đen cũng tương tự như vậy. Theo quy luật cộng màu của ánh sáng thì đen lại là sự vắng mặt hoàn toàn của màu: khi không có bất kỳ ánh sáng nào, còn theo quy luật trừ màu, đen là kết quả cuả sự pha trộn tất cả các màu. Như vậy trắng và đen là hai đối cực, là triết học của màu sắc. Màu trắng vừa là biểu tượng cho sự tinh khiết, cho sự thiêng liêng, cho cuộc sống, lại vừa tượng trưng cho tang tóc, bệnh tật và cái chết.
Issac Newton (1642 – 1727) và sơ đồ thí nghiệm tán sắc ánh sáng của ông.
Luật hòa sắc
Trái: các tổ hợp hòa sắc của 3 màu cơ bản: đỏ. lục và lam, sinh ra từ ánh sáng trắng.
Phải: các tổ hợp hòa sắc của 3 màu tím, vàng và da trời trong mực in, phẩm nhuộm và sơn.
Có thể loại hẳn màu đen ra khỏi bảng pha màu (palette) sơn dầu như các hoạ sĩ ấn tượng đã làm, nhưng khó mà loại màu trắng, nếu không nói là không thể. Màu trắng là màu được dùng nhiều nhất trong sơn dầu, để làm sáng các hòa sắc, tạo khối khi vẽ lót, nhấn các điểm sáng nhất v.v. Khi mới bắt đầu vẽ sơn dầu cách đây chừng 40 năm, tôi đã dùng gần hết tube trắng để bồi nền canvas bằng vải bao tải, nên đến khi vẽ thì thiếu, không tìm đâu ra trắng nữa. Tôi đành phải dùng … vàng chanh thay trắng. Kết quả là sau khi xem chân dung cô gái tôi vẽ, một đại ca ký họa chân dung đã kêu lên: “Một con đầm ho lao!”
*Khoảng 146 – 66 triệu năm trước, đại dương bao phủ phần lớn bề mặt trái đất. Xác các sinh vật biển hóa thành vôi chất cao hàng chục thước. Trải bao “đá nổi, lông chìm, đồng khô, hồ cạn” biển nhường chỗ cho đất nổi lên, các lớp hóa thạch được phơi bày, chủ yếu gồm calcium carbonate CaCO3 mà ta gọi là phấn. Màu trắng trong tự nhiên đã xuất hiện lần đầu tiên như vậy, nhiều đến nỗi cả một thời kỳ dài 80 triệu năm được gọi là kỷ Bạch Phấn (phấn trắng). Ngoài ra còn kaolin hay đất sét trắng tức hydrated aliminium silicate Al2O3•2SiO2•2H2O có trong khoáng chất kaolinite Al2Si2O5(OH)4, và thạch cao tức calcium sulfate dihydrate CaSO4•2H2O. Đó là ba màu trắng đầu tiên được sử dụng trong lịch sử kể từ khi con người bắt đầu biết vẽ. Người ta tìm thấy phấn trắng trên các bức họa trong hang động thời tiền sử. Các bộ lạc thổ dân ngày nay vẫn dùng vôi trắng vẽ lên cơ thể. Nhược điểm của các hạt màu trắng khoáng chất là càng thêm chất kết dính vào để làm màu lỏng hơn thì màu càng trở nên bớt đục, chuyển dần sang màu trong, nên độ trắng giảm dần đi. Đến khi thêm dầu lanh vào thì phấn, thạch cao, và kaolin mất cả tính trong và biến thành một hợp chất có màu đục nhờ, nhìn muốn nản. Vì thế con người phải vắt óc nghĩ cách tổng hợp màu. Trắng chì (lead white) và lam Ai Cập (Egyptian blue) là hai màu đầu tiên được con người tổng hợp từ khoảng hai ngàn năm trước CN. Ngày nay, bột màu trắng (pigment white, viết tắt là PW) có tới trên 40 loại trong đó có 33 loại được đánh số từ PW1 tới PW33 theo phân loại của chỉ số màu quốc tế (Color Index International)2 do hội thợ nhuộm và thợ màu (Society of Dyers and Colorists) của Anh và Hội các nhà hóa học ngành dệt và màu sắc (American Association of Textile Chemists and Colorists) của Mỹ đề xuất. Theo bảng này phấn trắng có ký hiệu PW18, kaolin: PW19, và thạch cao: PW25. Những màu trắng trong sơn dầu thường gồm 9 loại:
1) Trắng chì (lead white) hay trắng bạc (silver white) (PW1),
2) Trắng kẽm (zinc white) (PW4),
3) Trắng titanium (titanium white) (PW6),
4) Trắng nền (foundation white),
5) Trắng gốm (ceramic white),
6) Trắng xà cừ (iridescent white hay pearl white),
7) Trắng bất biến (permanent white),
8) Trắng khô nhanh (quick drying white),
9) Trắng lót nền nhanh (quick base white hay oil primer).
Họa sĩ vẽ sơn dầu cần hiểu rõ tính chất của từng loại trắng này để biết dùng đúng cách và đúng chỗ, tạo ra hiệu quả mong muốn, và tránh được các hiện tượng như bong, nứt, hay đổi màu bất thường. Dưới đây là tính chất của các loại màu trắng thông dụng trong sơn dầu.
1. Trắng chì (Lead white)
Sơ đồ thố chì và lò ủ trắng chì đầu thế kỷ XIX, cao khoảng 7 m. (Từ thế kỷ XVIII phân ngựa đã được thay bằng vỏ cây).
Trắng chì (PW1), còn có tên là trắng bạc (silver white), flake white (trắng vẩy), hay trắng Cremnitz (Cremnitz white) (từ tên của một thành phố ở Áo nổi tiếng vì làm trắng chì hảo hạng vào thế kỷ XIX), là màu trắng tổng hợp cổ xưa nhất và là màu trắng nhất trong tất cả 3 màu trắng từ chì. Hai màu kia là sulphate chì (PW2) và basic sulphate chì (PW3) đều ngả xám. Người ta tổng hợp trắng chì bằng cách ngâm chì vào hơi bốc lên từ dấm (acetic acid), khiến xảy ra phản ứng hóa học chuyển chì thành basic carbonate chì (alkaline lead carbonate) 2PbCO3•Pb(OH)2, tức gồm 2 phần carbonate chì PbCO3 và 1 phần hydroxide chì Pb(OH)2, bám trên mặt chì thành một lớp cùi trắng. Lớp cùi trắng sau đó được cạo ra thành một đống vẩy trắng (vì thế trắng chì có tên trắng vẩy). Các vẩy trắng được phơi khô và tán thành bột rồi được nghiền với dầu lanh để tạo ra màu trắng sơn dầu. Vào thế kỷ XVII người Hà Lan đã phát triển phương pháp này thành công nghệ ngâm dấm ủ phân có tên là Dutch stack method (Phương pháp đánh đống kiểu Hà Lan) (trang 19 trích dẫn3). Từ thế kỷ XIX, các phương pháp mới đã thay thế Dutch stack method. Trắng chì được tổng hợp và nghiền bằng các phương pháp hiện đại ngày nay có độ tinh khiết cao hơn, hạt màu mịn hơn và đồng nhất hơn xưa rất nhiều.
Trắng chì có độ phủ khá cao (opaque tức đục) nhờ có chừng 30% hydroxide chì Pb(OH)2, màu trắng ấm, có sắc long lanh gần như ngọc trai, khô nhanh, kết dính tốt. Một số trắng chì trên thị trường, đặc biệt là của Tàu hay Ấn Độ, tuy được gọi là trắng chì nhưng không phải là basic carbonate chì mà là carbonate chì (PbCO3), thiếu hẳn hydroxide chì (Pb(OH)2), nên không có những phẩm chất như của silver white hay flake white thứ thiệt. Trắng chì được trộn trong dầu tạo màng (như dầu lanh) tạo ra xà phòng chì, có ưu điểm làm sơn dẻo, dễ vẽ, khô nhanh, tạo ra màng dẻo dai, rất ít nứt. Vì thế trắng chì từng là màu không thể thiếu để bồi nền và vẽ lót từ khi sơn dầu được tái phát hiện tại châu Âu, và là màu trắng duy nhất được dùng cho tới thế kỷ XIX. Nhược điểm của trắng chì là rất độc, ngả đen khi gặp khí sufure (hydrogen sulfide H2S, mùi trứng thối) vì tạo thành sulfide chì PbS, trở nên trong theo thời gian, vì thế nếu phủ một lớp mỏng trắng chì thì dần dần màu hay hình vẽ bên dưới sẽ hiện ra khi lớp trắng chì bị mất độ phủ. Hiện tượng hình hiện ra như thế có tên là pentimento. Trên thực tế, hiện tượng ngả đen chỉ xảy ra khi trắng chì không được dầu tạo màng hay varnish che chở. Còn nhược điểm trở nên trong hầu như không bộc lộ khi trắng chì được vẽ dày hoặc trộn với các màu khác (như trong tranh của Rembrandt chẳng hạn). Trắng chì để lâu trong tối bị ngả vàng nhưng sau khi phơi sáng lại thì sắc vàng dần dần biến mất. Các sách kỹ thuật vẽ sơn dầu thường cảnh báo một số màu chứa lưu huỳnh (S) hay muối lưu huỳnh như đỏ thần sa (vermillion tức sulfide thủy ngân a-HgS), tất cả các màu cadmium (chứa cadmium sulfide), ultramarine (sodium sulphosilicate) có thể bị đen hay xỉn đi khi trộn với trắng chì vì tạo ra sulfide chì. Nhưng khi trắng chì được trộn với dầu, hiện tượng đen hay xỉn như vậy không xảy ra. Johannes Vermeer từng pha trắng chì với ultramarine làm từ đá lapis lazuli, tạo nên những hòa sắc tuyệt đẹp. Ngoài ra chất lượng trắng chì ngày nay đã vượt xa chất lượng cách đây 1 – 2 thế kỷ. Tôi thường trộn trắng chì (Holbein hoặc Kusakabe) với ultramarine (Lefranc & Bourgeois) nhưng chưa từng thấy hiện tượng đen xỉn mà sách đã dẫn.
Johannes Vermeer, “Người đàn bà vắt sữa”, 1657 – 1658, sơn dầu trên vải, 45.5 x 41 cm, Rijksmuseum
Lịch sử đã ghi nhận không ít trường hợp ngộ độc trắng chì, đặc biệt là bụi trắng chì. Trong nhiều thế kỷ, để có làn da trắng, các quý bà châu Âu thường dùng phấn trang điểm Venetian ceruse, thực chất là trắng chì (carbonate chì). Còn các quý ông tha hồ hôn hít làn da tẩm thuốc độc đó. Ngộ độc trắng chì gây xanh xao, vàng da, rụng tóc, hỏng răng, táo bón, tiêu chảy, và nếu bị nhiễm lâu dài thì có thể chết. Trường hợp điển hình là nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất của Anh quốc, mất năm 1603. Phấn trang điểm Venetian ceruse mà bà thường xuyên dùng được cho là một trong những nguyên nhân đã gây nên cái chết của bà. Nhà soạn nhạc lừng danh Ludwig van Beethoven, người từng dùng nhiều rượu bị nhà hàng lén pha chì, cũng được cho là bị điếc và chết do ngộ độc chì. Người ta tìm thấy hàm lượng chì trong tóc của Beethoven cao hơn người thường 100 lần. Trắng chì cũng là một trong các giả thuyết gây nên bệnh điếc, đau mắt của danh họa Francisco Goya, người luôn tự nghiền màu vẽ cho mình.
Paul Delaroche, “Cái chết của nữ hoàng Anh Elizabeth I”, 1828, sơn dầu trên canvas, 422 x 343 cm, Louvre.
Vì chì độc như vậy nên từ năm 1977 Mỹ đã cấm sản xuất sơn, màu, đồ chơi, đồ gỗ như bàn ghế giường tủ có chì. Châu Âu cũng hạn chế sản xuất sơn có chì, trừ số lượng nhỏ dành cho họa sĩ. Anh quốc đã cấm bán sơn có chì từ năm 1992, trừ cho các chuyên gia, vì thế hãng Winsor & Newton chỉ bán trắng chì trong hộp sắt 250 ml tại châu Âu. Các tube trắng bạc (silver white) và trắng vẩy (flake white) của hãng này ngày nay được nghiền từ trắng titanium (PW6) pha với trắng kẽm (PW4). Vì thế khi bạn mua màu trắng, chớ vội mừng khi đọc thấy cái tên, mà cần nhìn kỹ trên tube màu xem đó là PW1 (trắng chì), PW4 (trắng kẽm), hay PW6 (trắng titanium), hay là một sự pha trộn các bột trắng đó.
Thực ra ít có nguy cơ bị nhiễm độc trắng chì trừ phi bạn phết trắng chì lên bánh mì để ăn thay bơ, hít bụi trắng chì thay dầu khuynh diệp, hay bôi trắng chì lên toàn thân thay kem dưỡng da. Trắng chì trong sơn dầu được nghiền trong dầu tạo màng nên hầu như vô hại. Có lẽ vì biết vậy nên Nhật Bản vẫn sản xuất trắng chì dài dài. Tại Tokyo vẫn mua được dễ dàng silver white xịn (PW1) của các hãng đồ vẽ Nhật bản như Holbein, Matsuda, Kusakabe. Dĩ nhiên, nên tránh ăn uống trong khi vẽ, vì tay có thể dính trắng chì. Sau khi vẽ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng. Cần đi găng tay cao su khi rửa bút vẽ, chùi palette có dính trắng chì. Không để trắng chì, dầu, nước rửa bút gây ô nhiễm nước ăn. Nếu chẳng may trắng chì bắn vào mắt thì ngay lập tức phải rửa mắt bằng nước sạch trong vòng ít nhất 15 phút, rồi tới bác sĩ ngay. Nếu hít phải bụi trắng chì, cần súc mũi súc họng ngay. Còn nếu chẳng may nuốt phải trắng chì thì cần nhập viện ngay lập tức.
2. Trắng kẽm (Zinc white)
Trắng kẽm (PW4) tức oxide kẽm (ZnO) được dùng trong hội họa từ thế kỷ XIX. Từ giữa thế kỷ XIX trắng kẽm được tổng hợp và sản xuất đại trà, còn được gọi là trắng Trung Quốc (Chinese white), bán khắp châu Âu. Trắng kẽm tinh khiết có sắc lạnh (ngả lam), độ phủ yếu (semi-opaque), bền vững với ánh sáng và không độc như trắng chì, nhưng một loạt nhược điểm khiến trắng kẽm chỉ nên được dùng làm màu láng. Trắng kẽm khô rất lâu, từ 6 tới 8 tháng, vì thế làm bẩn màu sắc, suy yếu màng film trên mặt tranh, khi khô tạo ra màng giòn dễ nứt. Vấn đề trắng kẽm gây nứt đã được các hoạ sĩ nhận ra từ cuối thế kỷ XIX. Một số màu như madder lake, vàng cadmium, tím cobalt hay ultramarine, khi được trộn với trắng kẽm, có thể bị bạc màu. Nhược điểm lớn nhất của trắng kẽm là tạo ra xà phòng kẽm khi được trộn với dầu tạo màng. Xà phòng kẽm bị thủy phân khi gặp ẩm trong không khí, tạo ra màng ngăn cách, làm suy giảm độ kết dính của sơn và làm màng sơn trở nên giòn, khiến tranh cuộn lại bị nứt, sơn bong ra khỏi nền4,5. Theo nghiên cứu gần đây của Marion Mecklenburg thuộc Viện Bảo tồn Smithsonian (Washington D.C.) 4 trắng chì và trắng titanium trộn với trắng kẽm bán trên thị trường chỉ sau 3 năm đã trở nên rất giòn ngay cả trong điều kiện “lý tưởng” của bảo tàng. Các màu sáng khác chứa trắng kẽm cũng có chung số phận. Năm 1999 Mecklenburg quết 20 màu sơn dầu lên 8 nền acrylic gesso, 1 nền acrylic nhũ tương (acrylic polymer emulsion), và 4 nền sơn acrylic. Sau 7 năm, có 4 màu bị bong, là 2 màu trắng chì, 1 màu trắng titanium và 1 màu verdigris. Kết quả phân tích của Mecklenburg4, Maor và cộng sự5 cho thấy cả 4 màu bị bong này đều chứa trắng kẽm, càng chứa nhiều trắng kẽm (16 – 20%) thì càng bong mạnh. Các màu khác không bị bong và không màu nào chứa trắng kẽm.
Một mẫu thử của M. Mecklenburg: trắng chì có chứa trắng kẽm quết trên nền acrylic gesso bị bong rất sắc sau khi chỉ bị tác động nhẹ.
3. Trắng titanium (Titanium white)
Trắng titanium (PW6), được nghiền từ bột titanium dioxide (TiO2) với dầu tạo màng. Titanium dioxide được các công ty của Mỹ và Na Uy tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1916. Titanium dioxide được coi là chất trơ, không độc, tuy khả năng gây xơ phổi của bụi trắng titanium cao gấp 50 lần bụi thường. Trắng titanium dùng trong hội họa được công ty Mỹ sản xuất bán ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1921. Đây là màu trắng nhất và mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử hội họa (phản quang 97.2% toàn bộ ánh sáng), có độ phủ cao nhất (gấp khoảng 6 lần trắng chì), và có sắc trắng trung tính, nằm giữa sắc ấm của trắng chì và sắc lạnh của trắng kẽm. Bột trắng titanium có độ phơi sáng tốt, ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, không ngả vàng theo thời gian, tuy trong dầu thì có ngả vàng chút ít do dầu ngả vàng. Ngày nay trắng titanium hầu như đã thâu tóm toàn bộ thị trường màu trắng với sản lượng toàn cầu khoảng 3 ngàn tấn mỗi năm trị giá khoảng 6 tỉ USD6.
Trắng titanium tinh khiết khi khô trong dầu tạo ra một màng yếu. Vì thế người ta thường trộn trắng titanium với một hay hai màu trắng khác như trắng kẽm hay trắng chì. Trắng titanium cũng được pha với bột màu trơ như baryte (chứa barium sulfate BaSO4 tự nhiên, ký hiệu: PW22) trong màu bán cho sinh viên, tuy giá rẻ, song chất lượng thấp vì thiếu cả độ rực rỡ lẫn độ phủ. Trắng titanium khô chậm hơn trắng chì nhưng nhanh hơn trắng kẽm nhiều. Màng trắng titanium có thể trường tồn hàng thế kỷ nếu để trong tối, nhưng ở ngoài sáng trắng titanium cũng như tất cả các màu khác bị tia cực tím làm thoái hóa. Tuổi thọ của màng film vì vậy phụ thuộc vào chất lượng chất kết dính, điều kiện phơi sáng, chất lượng lớp varnish bảo vệ, v.v. Vì độ nhuộm của trắng titanium rất mạnh nên khi dùng phải biết kiềm chế để các màu khác không bị trắng titanium lấn át.
4. Trắng nền (Foundation white)
Trắng nền được dùng để lót nền và/hoặc vẽ lót (underpainting). Vì vậy trắng nền phải có độ phủ cao (đục), phải khô nhanh, và phải tạo được màng film dẻo dai. Trắng nền của hãng Holbein gổm trắng chì trộn với trắng titanium nghiền trong dầu lanh và dung môi dầu tây tinh khiết (spirit of petroleum) đảm bảo những yêu cầu này. Trắng nền này khô sau 2 ngày và được bán trong tube 110 ml. Trắng nền của hãng Winsor & Newton gồm trắng chì trộn trắng kẽm. Ngoài ra, do quy chế ngặt nghèo về hóa chất chứa chì tại châu Âu, Winsor & Newton hiện nay chỉ được phép bán trắng nền trong hộp sắt 250 ml. Dầu lanh giúp trắng chì khô nhanh, song ngả vàng. Vì thế trắng nền chỉ nên dùng để vẽ lót. Nếu dùng trắng chì cho các lớp bên trên, đặc biệt là lớp trên cùng, cần chọn loại trắng chì nghiền trong dầu thuốc phiện (poppy oil), lâu khô hơn, song không ngả vàng.
5. Trắng gốm (Ceramic white)
Trắng gốm là strontium titanate (SrTiO3). Trong tự nhiên strontium titanate có chứa trong quặng tausonite (từ tên nhà hóa địa chất Nga Lev Tauson), được phát hiện năm 1982 tại Siberia. Tausonite rất hiếm, được dùng làm kim cương nhân tạo, các dụng cụ quang học đòi hỏi độ chính xác cao, trong kỹ nghệ gốm sứ, thiết bị điện tử. Màu trắng gốm trong sơn dầu là sản phẩm của hãng Holbein Artists’ Colors, gồm strontium titanate nghiền trong dầu thuốc phiện (poppy oil), có sắc lạnh, không đục bằng (độ phủ không cao bằng) trắng titanium nhưng đục hơn trắng kẽm.
6. Trắng xà cừ (tiếng Anh: Iridescent white; tiếng Pháp: blanc nacré)
Từ thế kỷ XVII người Pháp đã biết dùng vẩy cá lóng lánh xà cừ làm tràng hạt. Công nghệ tổng hợp các hạt màu xà cừ được bắt đầu từ những năm 1930. Tới những năm 1960 người ta phát hiện ra phương pháp dùng trắng titanium (titanium dioxide TiO2) phủ lên các vẩy mica (tức potassium aluminium silicate) và thu được trắng xà cừ tức mica tráng titanium (titanium coated mica, viết tắt TCM), có công thức hóa học là TiO2 – KAl2(AlSiO10)(OH)2. TCM được dùng rộng rãi trong sơn tráng bề mặt (như sơn xe hơi), đồ nhựa, in ấn, mỹ phẩm7. Trắng xà cừ trong sơn dầu là sản phẩm của hãng Winsor & Newton, gồm TCM nghiền trong dầu rum (safflower), bán đục, rất bền. Khi được dùng để láng, trắng xà cừ cho cảm giác óng ánh của kim loại.
7. Trắng bất biến (Permanent white)
Trắng bất biến của hãng Holbein gồm trắng titanium trộn với barium sulfate (BaSO4 tổng hợp, ký hiệu: PW21) nghiền trong dầu thuốc phiện. Barium sulfate còn được gọi là blanc fixe (trắng cố định). Sự pha trộn này hạn chế được độ ngả vàng trong giai đoạn khô ban đầu, giảm độ nhuộm cao của trắng titanium, và tăng độ trong. Trắng bất biến có độ phủ tương đương trắng gốm, tức không mạnh như trắng titanium. Trong khi đó trắng bất biến của hãng Lefranc & Bourgeois (Pháp) lại là trắng titanium trộn với trắng kẽm.
Từ trái: trắng bạc (Kusakabe), trắng kẽm (Holbein), trắng titanium (Holbein), trắng nền (Holbein), trắng nền (Winsor &Newton),trắng gốm (Holbein), trắng xà cừ (Winsor & Newton), và trắng bất biến (Lefranc & Bourgeois).
8. Trắng khô nhanh (Quick drying white)
Đây là hỗn hợp của trắng titanium với calcium carbonate (phấn trắng) nghiền trong dầu thuốc phiện và nhựa alkyd. Vì có phấn nên đây là màu bán trong (semi-transparent). Nhựa alkyd tăng tốc độ khô, nên trắng này khô sau 2 ngày. Nhược điểm của tube trắng khô nhanh (của Matsuda) là để vài năm thì khô cứng như đá, trong khi các tube trắng không có alkyd để trên 15 năm vẫn mềm dẻo như mới.
9. Trắng lót nền nhanh (Quick base white)
Đây là tên một dung dịch lỏng (trong hộp sắt 300 ml) do hãng Holbein sản xuất gồm trắng titanium hòa với nhựa alkyd trong dầu lanh và dầu tây, bán trong (semi-transparent), khô trong vòng 24 giờ, được dùng để bồi nền canvas sau khi đã dán canvas bằng keo da thỏ hoặc acrylic gesso. Ngoài trắng, sơn lót Quick base còn có vài màu khác như ngả lục, ngả hổ phách, xám, hạt dẻ, vàng đất và lục đất (terre verte). Các hãng khác cũng có những loại trắng lót nền tương tự, được gọi chung là oil primer, ví dụ dung dịch sơn lỏng Cansol của hãng Matsuda Oil Colour (Nhật) (hộp 250 ml) gồm trắng titanium, nhựa alkyd và dầu lanh, khô sau 3 tiếng vào mùa hè và 6 tiếng vào mùa đông. Khi bồi canvas cần quét Quick base white hoặc Cansol thành những lượt mỏng, lượt sau chồng lên lược trước chỉ sau khi lượt trước đã khô hẳn.
Sơn lót nền Quick Base White của Holbein Artists’ Colors và Cansol của Matsuda Oil Colour Co. Ltd.
Gần đây các nhà sản xuất họa phẩm đã đồng loạt loại trắng kẽm ra khỏi trắng lót nền cho canvas (foundation white và quick base white). Trắng lót nền ngày nay gồm trắng chì và/hoặc trắng titanium trong dầu lanh. Hãng làm canvas nổi tiếng của Nhật – Funaoka Canvas Products Corporation – thêm lithopone (PW5) và đất sét trắng (kaolin) vào nền sơn để tăng độ phủ, độ dai và khả năng chịu nhiệt. Lithopone là hợp chất của khoảng 30% barium sulfate (BaSO4) và 70% zinc sulfide (ZnO). Lithopone ngả xám dưới sánh sáng mặt trời nhưng khi vào tối thì trắng lại.
*Nếu mới bắt đầu vẽ sơn dầu, có thể bạn thấy trắng nào cũng như nhau. Nhưng khi đã đi sâu vào sơn dầu, đặc biệt nếu vẽ theo kỹ thuật vẽ nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển, bạn sẽ nhận ra sự khác nhau rất lớn về độ phủ, độ trong, độ dẻo, độ hút dầu, độ nóng lạnh, các chuyển sắc độ v.v. giữa trắng chì (trắng bạc), trắng titanium và trắng kẽm.
Trắng chì là màu trắng cực kỳ quan trọng, tuy độc. Trắng chì không đục như trắng titanium, vừa xốp, ấm lại đủ độ trong cần thiết, nên khi vẽ đặc thì đục, nhưng khi chuyển sang mỏng thì lại trong, cho phép tạo những chuyển đổi hòa sắc rất đẹp khi vẽ da thịt, lên khối và vẽ các phản quang một cách dễ dàng, mà không thứ trắng nào có thể thay thế được. Đặc biệt, nếu vẽ theo kỹ thuật nhiều lớp thì trắng chì là màu trắng không thể thiếu, nhất là khi vẽ lót (trắng nền). Trắng titanium rất có hiệu quả khi vẽ các điểm nhấn sáng vì có độ phủ và độ trắng mạnh nhất. Nhưng nếu dùng quá nhiều trắng titanium, màu sẽ như bị tẩm vôi và “bẹt”. Trắng kẽm (oxide kẽm) là màu trong, khét tiếng vì là nguyên nhân gây bong nứt khi vẽ dày, chỉ nên được dùng để vẽ láng. Thậm chí nếu bạn có loại hẳn trắng kẽm ra khỏi bảng pha màu thì bạn cũng không mất gì nhiều.
*
Phụ lục
Tính chất của một số màu trắng sơn dầu của hãng Holbein Artists’ Colors
Độ nhuộm và độ phủ của một số màu trắng (so với trắng kẽm)
|
Trắng bạc |
Trắng kẽm |
Trắng titanium |
Trắng gốm |
Trắng bất biến |
Độ nhuộm |
78 |
100 |
915 |
241 |
250 |
Độ phủ |
132 |
100 |
830 |
220 |
219 |
Độ trắng của một số màu trắng
|
Trắng bạc |
Trắng kẽm |
Trắng titanium |
Trắng gốm |
Trắng bất biến |
Độ trắng |
92.23 |
92.59 |
94.27 |
92.66 |
94.26 |
Sắc lam (blue) |
77.66 |
79.43 |
77.04 |
81.60 |
76.83 |
Sắc vàng |
2.55 |
1.81 |
3.57 |
1.22 |
3.78 |
Xếp hạng W |
6 |
5 |
1 |
4 |
2 |
Xếp hạng W’ |
3 |
2 |
4 |
1 |
5 |
W: Xếp hạng theo thang Hunter ngay sau khi dùng
W’: Độ trắng dựa trên hiệu số phản quang màu lam và màu lục
Chú ý: Các con số là kết quả đo bằng máy, nhưng khi nhìn bằng mắt thường thì trắng titanium là màu trắng nhất, trong khi trắng kẽm và trắng gốm có sắc lam.
Độ trong (transparency) của một số màu trắng
(được đo bằng cách phủ một lớp màu trắng dày 0.1mm lên giấy thử và được thề hiện bằng hiệu số giữa màu trên nền đen và nền trắng, hiệu số càng lớn thì màu càng trong)
Độ ngả vàng của một số màu trắng
(được quết thành màng film dày 0.15 mm trên canvas trắng)
|
Trắng bạc |
Trắng kẽm |
Trắng titanium |
Trắng gốm |
Trắng bất biến |
Sau khi khô |
2.07 |
0.95 |
3.42 |
1.32 |
3.53 |
Sau 1 tháng |
4.14 |
3.01 |
4.07 |
2.27 |
4.10 |
Sau 1 năm |
11.29 |
7.66 |
6.66 |
5.47 |
6.70 |
Tốc độ khô của một số màu trắng
(tính bằng ngày tại 250C)
|
Trắng bạc |
Trắng kẽm |
Trắng titanium |
Trắng gốm |
Trắng bất biến |
Màng film 0.22 mm |
1 |
1 |
2 |
1 |
1.5 |
Màng film 0.1 mm |
2 |
2 |
2 |
2 |
2 |
Màng film 0.3 mm |
2 |
4.4 |
3 |
3 |
3.7 |
- 17. 4. 2013
© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
*
Chú thích:
1. I. Newton (1671) A Letter of Mr. Isaac Newton, Professor of the Mathematiks in the University of Cambridge; Containing His Theory About Light and Colors: Sent by the Author to the Publisher from Cambridge, Febr. 6. 1671/72; in Order to be Communicated to the R. Society, Philosophical Transactions of the Royal Society of London 6 (69–80): 3075–3087.
2. Xem Color of art pigment database.
3. Tôi có bàn qua về màu trắng tại trang 18 và 19 trong chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” (2009), 45 trang.
4. M.F. Mecklenburg, Determining the acceptable ranges of relative humidity and temperature in museums and galleries, Part 2, (2007).
5. Y. Maor, A. Murray and B. Kaiser, Using XRF for semi-quantitative analysis in a study of delaminating paint, 9th Int’l Conference on NDT of Art, Jerusalem, 25 – 30 May 2008.
6. Paint and coating testing manual, Chapter 19: White pigments (by J.H. Braun) (1995) p. 159.
7. Paint and coating testing manual, Chapter 26: Pearlescent pigments (by C. Rieger) (1995) p. 299.