|
Từ thời xa xưa, con người đã có một nhu cầu là phải trông nhìn thật tinh tường, sâu sắc mọi thứ quanh mình và điều khát khao đến không thể cưỡng nổi là phải truyền đạt, biểu lộ được những điều quan sát về những đối tượng ấy với những tình cảm của mình bằng hình ảnh. Từ những bức vẽ trong hang động đến những bức tranh trong các viện bảo tàng là cả một chặng đường dài, một bước tiến lớn lao trong lịch sử phát triển nghệ thuật tạo hình của con người. Hay nói cách khác từ chủ nghĩa hiện thực hoang dã thô sơ đến chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một phong cách nghệ thuật, loài người đã phải tốn công sức trên dưới chục nghìn năm. Đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực trong các loại hình nghệ thật đạt được độ chín mùi, rực rỡ ở nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, nghệ thuật hàn lâm, cổ điển khoảng từ thế kỷ XV-XIX. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX với sự phát triển, thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống con người thì quan niệm về nghệ thuật, nói rõ hơn về những hình thức biểu đạt nghệ thuật cũng thay đổi. Vào 15 năm cuối cùng của thế kỷ XIX trong lĩnh vực nghệ thuật đã xuất hiện những dấu hiệu về một "sự khủng hoảng cái biểu hiện" và dự báo về một cuộc cách mạng về hình thức biểu đạt nghệ thuật sẽ diễn ra. Những dấu hiệu mang tính dự báo này được thể hiện trong trào lưu nghệ thuật của phái suy đồi (Le decadent) và trào lưu nghệ thuật của chủ nghĩa tượng trưng (Symbolisme) với các nghệ sĩ tiêu biểu như: Baudelaire, Verlaine, Mallarme, Marcel, Pout-trẻ (thơ văn), Debussy (âm nhạc), nhóm họa sĩ phái Nabis, họa sĩ Gauguin thời đầu... Và đầu thế kỷ XX cuộc cách mạng này đã nổ ra. Từ năm 1905 đến 1920, một loạt trường phái nghệ thuật đua nhau xuất hiện (đặc biệt trong lĩnh vực hội họa) mà người ta gọi chung dưới cái tên "các trào lưu nghệ thuật Tiền phong (Avant garde), với các trường phái chủ yếu như: chủ nghĩa dã thú (Fauvisme), chủ nghĩa Đada (Dadaisme), chủ nghĩa lập thể (Cubsme), chủ nghĩa siêu thực (Surréalesme), nghệ thuật trừu tượng (Art Abtrait). Song song với chủ nghĩa hiện thực, các trào lưu của các trường phái Tiền phong này đã chiếm một địa vị rất quan trọng trong ba, bốn thập kỷ đầu của thế kỷ XX trong lĩnh vực nghệ thuật phương Tây. Quá trình phát triển trong những năm từ 1960 đến 1970, các trường phái nghệ thuật Tiền phong đã tạo ra những biến thể mới như: chủ nghĩa động học (Cinétesme), nghệ thuật động hình (Art guetuel), nghệ thuật nguyên thô (Art burt), chủ nghĩa đốm vết (Tachisme), trường phái nghệ thuật nghèo (Pauvrerisme), chủ nghĩa tối thiểu (Minimalisme)... Cũng trong giai đoạn 1960/1970 của thế kỷ XX là mốc đánh dấu sự phát triển bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, đồng hành mạnh mẽ phát triển theo "văn hóa đại chúng", dẫn đến sự lên ngôi của văn hóa "đám đông", nhấn chìm những văn hóa, nghệ thuật được gọi là: Cao sang, quý phái, cổ điển, hàn lâm, bác học. Bắt đầu một thời đại tung hoành của Nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật bình dân (Pop, Art, Populair ART) mà đặc điểm nổi bật của nó là: Đơn giản, độc đáo, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ứng dụng, dễ ứng tác (happening) dễ hòa nhập, hòa đồng, dễ kích thích đám đông, mang được những hơi thở cuộc sống hàng ngày, cuộc sống đời thường, bao chứa được nhiều tính cập nhật, tính thời sự của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, con người. Trong âm nhạc là các thể loại nhạc jazz, rock, pop, rap, hip hop... và những biến thể của nó, trong nghệ thuật tạo hình là: Xếp đặt (Installation), trình diễn (Performance), Vidéo - Art, Vidio-Act... Cũng thoát thai từ nghệ thuật đại chúng (pop - art) nhưng phát triển ở một hướng khác với mục tiêu: Khôi phục lại chủ nghĩa hiện thực. Từ năm 1970, xuất hiện một khuynh hướng nghệ thuật được gọi là "Chủ nghĩa hiện thực mới (Nouveau realesme) trong nghệ thuật tạo hình với những trường phái như chúng ta đã biết: Chủ nghĩa cực thực (Hyferralisme), chủ nghĩa hiện thực điềm tĩnh (Cool Réalesme), nghệ thuật tượng sáp, nghệ thuật đúc tượng theo khuôn mẫu người sống, nghệ thuật sửa lại ảnh chụp bằng in lưới lụa, nghệ thuật cơ khí (Mec' Art, mechanical), nghệ thuật ép nén (Art pessé) v.v…--PageBreak-- Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nhưng phải đến giữa những năm 90 của thế kỷ này trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng mới thực sự tiếp nhận những trào lưu nghệ thuật ở nước ngoài (chủ yếu của phương Tây). Và như vậy cuộc cách mạng về hình thức nghệ thuật (cái biểu đạt) ở phương Tây đã trải qua trên dưới một thế kỷ chúng ta mới tiếp xúc, đón nhận nó. Cũng vì lý do ấy khi thấy một số văn nghệ sĩ Việt Nam học tập, áp dụng những trào lưu đó ở phương Tây để sáng tác thì một số ý kiến đã cho rằng "cũ người, mới ta" - tức là quá lạc hậu rồi! Hoặc đối với những người ủng hộ những cái mới du nhập ấy thì lại cho rằng những nghệ thuật theo lối cũ như chủ nghĩa hiện thực, nghệ thuật cổ điển, hàn lâm, bác học là đã xưa rồi, lỗi thời rồi,… tất cả những quan niệm ấy đều rất phiến diện. Xem xét, đánh giá nghệ thuật phải có cái nhìn bao quát và sâu sắc - tức là cần một phông rộng về văn hóa nghệ thuật, và có một kiến thức cần thiết về mặt chuyên môn, thực ra nghệ thuật không đánh giá theo cũ, mới mà chỉ đánh giá theo tiêu chí hay - dở, có giá trị hay không có giá trị. Xét về khía cạnh triết học và mỹ học khác với khoa học, nghệ thuật không có sự tiến bộ với ý nghĩa không phải nghệ thuật nào, phong cách nghệ thuật nào cứ ra đời sau ắt phải tiến bộ, hay hơn những nghệ thuật, phong cách nghệ thuật ra đời trước. Âm nhạc của Beethoven, W-Mozart, Mendelssohn, Tchaikovsky, F.Chopin, A.Vivaldi, C.Debussy… không phải là kém tiến bộ, không hay bằng nhạc jazz, rock, rap, hip hop… Hội họa của Léonard Vinci, Michel Ange, Van Gogh, Paul Gauguin… cũng không phải là kém tiến bộ, không hay, không hấp dẫn bằng nghệ thuật xếp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật Vidéo - Art, Vidéo-Act… Vì thế, đánh giá xem xét, đánh giá nghệ thuật cần phải dựa trên một nền tảng mỹ học đúng đắn. Và theo chúng tôi sẽ là hợp lý, nếu dựa vào những quan điểm triết học hậu hiện đại làm cơ sở mỹ học để xem xét, đánh giá nghệ thuật. Nói một cách khác là mỹ học hậu hiện đại có thể chấp nhận được để xem xét, đánh giá những vấn đề nghệ thuật hiện nay. (Chúng ta cần phân biệt: Triết học hậu hiện đại, mỹ học hậu hiện đại và nghệ thuật hậu hiện đại. Mỹ học hậu hiện đại có cơ sở lý luận từ triết học hậu hiện đại, còn nói đến nghệ thuật hậu hiện đại là để phân biệt với nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật hiện đại. Nghệ thuật hậu hiện đại, mốc đánh dấu sự ra đời của nó là từ những năm 60-70 của thế kỷ XX trở lại đây). Mỹ học hậu hiện đại dựa vào cơ sở cốt lõi của triết học hậu hiện đại - Tư tưởng của M.Heidegger - "Hiện thể mở ra cho mọi sự hiểu biết khác nhau, không có cái nào sai, cái nào cũng có cái lý của nó". Áp dụng vào xem xét nghệ thuật sẽ là: Không có nghệ thuật, phong cách nghệ thuật nào là không hay, là bỏ đi, không đáng tồn tại; nghệ thuật nào, phong cách nghệ thuật nào cũng có cái hay, mặt mạnh của nó và có quyền bình đẳng tồn tại như nhau. Triết học hậu hiện đại, mỹ học hậu hiện đại luôn ủng hộ, tôn trọng sự đa dạng, tính đa nguyên, tính dân chủ, sự công bằng trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề, sự vật, sự việc hiện tượng trong đời sống xã hội, con người, nó phù hợp với xu thế, với tiến trình hội nhập thế giới ngày nay. Tuy nhiên, tất cả mọi học thuyết, mọi lý thuyết triết học, chính trị, kinh tế, mỹ học… kể cả các lý thuyết khoa học, không có một học thuyết, một lý thuyết nào được coi là toàn diện, toàn mỹ, là chân lý tuyệt đối mà đều có mặt mạnh, mặt yếu, mặt tiến bộ, mặt hạn chế. Và mỹ học hậu hiện đại cũng vậy. Mỹ học hậu hiện đại mặt mạnh, mặt tốt là ủng hộ tính đa dạng, tính đa nguyên, sự phong phú nhiều vẻ, tôn trọng sự hiện diện, sự tồn tại của mọi nền văn hóa, mọi loại nghệ thuật, mọi phong cách nghệ thuật… nhưng để đánh giá: việc anh có quyền hiện diện, tồn tại bình đẳng đấy, nhưng anh có hay hay không, có giá trị hay không, có tuổi thọ cao hay không, thì cần phải bổ sung thêm những tiêu chí khác, những lý thuyết khác để xét đoán, đánh giá… Nói chung mọi việc không hề giản đơn mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể bàn đến được |