Một thế kỷ tiếp xúc với nghệ thuật tạo hình phương Tây:
nợ người, nợ mình…
Tranh Joseph Inguimberty
Tuy nhiên, cho đến nay, người Việt Nam chưa bao giờ tiếp cận với mỹ thuật phương Tây một cách hệ thống, chưa bao giờ “giải mã” bản chất ngay từ nền tảng văn hóa và xã hội của nó một cách chính đáng. Đặc biệt là đối với mỹ thuật phương Tây hiện đại. Sách vở về mỹ thuật phương Tây ở Việt Nam thực tế không nhiều, kể cả sách ngoại nhập. Sách dịch đã hiếm, sách do người Việt Nam “san định” lại càng hiếm hơn-thậm chí không có… Người Việt Nam nói chung biết về khuynh hướng này khuynh hướng kia, hoặc nhờ đọc thẳng vào sách báo tiếng nước ngoài, hoặc với số đông thì chỉ là nhặt nhạnh, lắp ghép các mảnh vụn kiến thức rải rác trên báo, trên các tạp chí, trên các tập sách hay website viết về họa sĩ này họa sĩ nọ… rồi, tùy theo cách cảm, cách tưởng của mình mà suy diễn…
Tranh Joseph Inguimberty
Sáng tạo nghệ thuật, ngay như cách hiểu của Paul Valéry-nhà thơ Pháp-”là biểu hiện cao quí nhất của tự do tính nơi con người” thì cái con người đó cũng không bao giờ là trừu tượng. Khi quên đi điều này, việc tiếp cận với bất cứ nền nghệ thuật nào cũng chỉ thu lại được sự bối rối, thậm chí ngộ nhận… Một họa sĩ khá nổi tiếng ở Việt Nam, đã từng có thời gian là giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sau khi đi Pháp một thời gian ngắn về, đã nói: “Ở Paris có bảo tàng tượng gỗ dân gian châu Phi. Ai đã đến bảo tàng này rồi đều thấy P. Picasso chẳng là cái gì…!”. Tất nhiên bất cứ ai cũng đều có quyền thích hay không thích P. Picasso, nhưng về mặt nhận thức, nhận định như vậy là một sai lầm-chứng tỏ người nói không thực sự hiểu P. Picasso, mà cơ bản, là không thực sự hiểu truyền thống duy lý nơi nghệ thuật phương Tây. Một ví dụ khác, cụ thể hơn: ở Việt Nam trước đây, có một họa sĩ nổi tiếng rất say sưa với hội họa Lập thể, vẽ rất nhiều tranh “Lập thể”-theo kiểu P. Picasso-là Tạ Tỵ. Tuy nhiên nếu lập thể của P. Picasso là sự trừu tượng hóa-hiển thị cái ý tưởng con người hiện đại chỉ còn là những mảnh vụn đồng nhất như Nietzsche (triết gia người Đức) đã nói thành lời, biểu đạt lại theo lối hội họa cái hình tượng con người bị cuốn vào cỗ máy công nghiệp và nhịp sống đô thị phi nhân tính như vua hề Charlie Chaplin thể hiện trong phim “Thời đại cơ khí” thì, “Lập thể” của Tạ Tỵ, thực chất chỉ là sự cách điệu hóa thuần túy hình thức. Tranh ông ngã sang hướng trang trí, phi tư tưởng. Nói cách khác, Lập thể qua Tạ Tỵ đã mang một tính cách khác, một số phận khác-”một chiếc bình mới chứa rượu cũ”… Không ai dám nói Tạ tỵ tiếp thu lập thể một cách vô ý thức, nhưng một điều chắc chắn là ông đã tiếp thu nó bằng một ý thức… hời hợt. Còn. Còn rất nhiều ví dụ dạng này, khó kể hết…!
Tranh Tạ Tỵ
Thực tế cho thấy, với người đọc, người học, người tìm hiểu mỹ thuật phương Tây hiện đại, ngay cả khi không muốn quên những điều nói trên, thì cũng không dễ thỏa mãn. Có mấy lý do: Với người đọc sách “Tây”-bởi sách “Tây” viết cho người “Tây” đọc-đã mặc nhiên bỏ qua phần phân tích bối cảnh văn minh, cơ sở học thuật cũng như phương thức tư duy chi phối các chiều hướng tư tưởng v.v… nên rất khó thâu hóa trọn vẹn, chưa kể rất dễ bị kéo lệch theo cái nhìn “Châu Âu trung tâm” rất phổ biến trong các sách “Tây”. Người chỉ đọc được tiếng Việt càng khó khăn hơn. Các loại sách lý thuyết nghệ thuật, hoặc có liên quan đến nghệ thuật gần như chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Cho đến nay, bạn đọc Việt Nam nói chung, vẫn còn hết sức xa lạ, hay mơ hồ, với những bộ môn cơ sở như Phân tâm học của S. Freud hay Tâm phân học của G. Jung (không biết Phân tâm học, sẽ rất khó hiểu đúng trường phái Siêu thực…; không biết Tâm phân học, sẽ rất khó hiểu đúng bản chất nhân loại trong nghệ thuật dân tộc hay phong cách cá nhân…); Ký hiệu học văn hóa và nghệ thuật, ít nhất, từ E. Cassires đến S. Langer (Không biết Ký hiệu học sẽ rất khó hiểu được thế nào là phương thức biểu đạt tiền logic của ngôn ngũ nghệ thuật, là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật…) v.v… ngay đến cái tên E. H. Gombrich, người được đánh giá là sử gia và lý thuyết gia mỹ thuật quan trọng nhất châu Âu từ giữa thế kỷ XX cũng ít người biết đến, chưa kể tác phẩm mà mọi người nghiên cứu mỹ thuật nên biết là “Art anh Illusion” (Nghệ thuật và ảo tưởng) của ông thì quả thực là đáng tiếc…
Trong bối cảnh bị “định hướng” bởi thị trường mỹ thuật đa phần ở cấp độ “bình dân’; trong bối cảnh hổn độn của khuynh hướng “toàn cầu hóa”-thực chất là luồng “văn hóa đại chúng” kiểu Mỹ và Trung Quốc-sự thiếu điều kiện này, chỉ dẫn các họa sĩ Việt Nam vào những “mê cung” lẩn quẩn. Đặc biệt tệ hại hơn là đối với phê bình…
Tiếp xúc, tiếp thu với bắt chước là những cách thức ứng xử rất khác nhau. Sự tiếp thu chỉ có ý nghĩa chính đáng khi được chọn lọc và được tiêu hóa qua sự thông hiểu… Trước vấn đề một thế kỷ tiếp xúc với nghệ thuật tạo hình phương Tây hiện đại, Thái Bá Vân đã có lý khi cho rằng, mỹ thuật Việt Nam còn “nợ” người một cách nhìn riêng của mình, và còn “nợ” mình một sự thâu hóa để làm nên chính mình… Và, câu hỏi của ông: “Khi nào người Việt mới tạo dựng được cho mình một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại?”, xem ra, không phải là không có cơ sở…!