MỘT THẾ KỶ TRỪU TƯỢNG

Nguyễn Quân

     Theo chiết tự Hán-Việt, trừu tượng có thể được hiểu như sau: trừu, nghĩa là giữ lại; tượng, nghĩa là hình ảnh; vậy thì hội họa trừu tượng là một kỹ thuật, một thao tác nhằm “giữ lại” những hình ảnh để nó “không đi vào” trong tác phẩm. Những hình ảnh này có thể đến từ bất cứ thứ gì: thiên nhiên, hiện thực, tư tưởng, tình cảm...

     Nhiều nghiên cứu ở phương Tây cho rằng, qua các tác phẩm như Bùa (Le Talisman, 1888) của P.Sérusier, Cánh đồng lúa mì với quạ (Les champs de blé aux corbeaux, 1890) của Van Gogh, Tiếng thét (Le Cri, 1893) của E.Munch, Ngựa trắng (Le Cheval blanc, 1898) của Gauguin, Những bông hoa loa kèn nước (Les Nymphéas, 1916) của Monet… là những phát xuất sớm của kỹ thuật và cái đẹp trừu tượng.

     Về cột mốc 100 năm hội họa trừu tượng, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm trừu tượng thực thụ là Thủy mặc trừu tượng (Aquarelle abstraite) mà Wassily Kandinsky (1866-1944) vẽ năm 1910. Ông chính thức bỏ chức giáo sư đi Munich học hội họa vào năm 1896. Năm 1908, sau khi vượt qua các yếu tố tượng trưng, tranh của Kandinsky dần đạt đến sự trừu tượng, mà loạt tranh Bố cục, ngẫu tác, ấn tượng đã thể hiện khá rõ.

     Về sau cũng có nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật trừu tượng có bắt nguồn một phần từ tinh thần thiền tông và hội họa thủy mặc của Đông Phương. Xuất phát của nghiên cứu này vì Kandinsky đến từ Nga, ông là một nhà văn, người nghiên cứu và viết về mỹ thuật, trong đó có mỹ thuật của phương Đông trước khi vẽ trừu tượng. Bên cạnh đó, một bậc thầy trừu tượng khác là Hans Hartung (1904-1989), nhà tiền phong của nghệ thuật phi hình thể (Art Informel, còn gọi là Tachisme: chủ nghĩa vệt màu), người đã gặp Kandinsky ở Munich, qua Bắc Kinh học về thiền, trước khi vẽ tranh trừu tượng vào năm 1922.

     Riêng hội họa trừu tượng ở Việt Nam, đến nay nhiều ý kiến vẫn tạm cho Tạ Tỵ (1921- 2004) là một họa sĩ tiền phong, khi những năm đầu của thập niên 1950 ông đã vẽ những bức tranh trừu tượng. Nếu cứ liệu về cột mốc này đúng, thì tính đến nay, hội họa trừu tượng Việt Nam đã có khoảng 60 năm lịch sử (?).

Một thế kỷ trừu tượng

     Người ta thích đặt sóng đôi những phát minh của vật lý lý thuyết và những phát kiến mỹ thuật châu Âu thập niên đầu thế kỷ 20. Một bên là những thuyết tương đối, thuyết lượng tử, quang điện… bên kia là các thứ “chủ nghĩa” mỹ thuật như lập thể, trừu tượng, biểu hiện… Đó là giai đoạn động đất, động trời làm đảo lộn, thay đổi tận gốc rễ, nền tảng của khoa học và nghệ thuật. Thế giới thay đổi hay cách lý giải và cách nhìn nó đã thay đổi?

     Những bức tranh trừu tượng đầu tiên được quy ước là của họa sĩ Nga V.Kandinsky. Ông là tổng giám đốc đầu tiên của các bảo tàng ở Nga thời Xô-viết nhưng rồi đã lưu vong sang Đức, cầm đầu nhóm Kỵ sĩ xanh, ở đó, ông là giáo sư trường Bauhaus danh tiếng, một lý thuyết gia chiến đấu không mệt cho nghệ thuật mới bên các bậc thầy cự phách khác như P.Klee, Gropius, Le Corbusier… Từ những tranh phong cảnh vẽ theo kiểu dân gian, Kandinsky lược bỏ mọi yếu tố tả kể, vốn là xương sống của nghệ thuật cổ truyền, xóa bỏ mọi thứ giúp người xem nhận diện được các đối tượng mà họ cho là đã được họa sĩ mô tả. Chỉ còn lại các yếu tố hội họa thuần túy như màu, nét, khối, hòa sắc cùng không gian, nhịp điệu, kết cấu của các yếu tố thị giác nguyên thủy nhất. Vì vậy lúc đầu loại tranh này còn được gọi là hội họa không đối tượng, hội họa không hình, hội họa cụ thể, hội họa thuần túy… Bức tranh giờ đây không còn là cái cửa sổ để người xem nhìn qua đó thấy một cái gì đó ngoài nó. Nó không đại diện, môi giới, PR… cho cái gì nữa, nó chỉ là một đồ vật cụ thể. Người ta thưởng thức nó như bản nhạc không lời mà không đòi phải “hiểu” nó đang định thể hiện, mô tả, kể lể cái gì.

 

                                     Tác phẩm Cực đen (Black Cirkle), 106.4 x 106.4 cm, sơn dầu trên bốn năm 1913, 

                                         của Kazimir Malevich, nay thuộc Bảo tàng quốc gia Nga, đặt tại St.Petersburg.                        

 

                                                    

     Cùng với sự phát triển ở Đức là chủ nghĩa kết cấu ở Nga với các nhà điêu khắc như Lizissky, Gabo… và một nhà tiền phong đơn độc là K.Malevich với trường phái mà ông tự đặt tên là trí thượng (Supremmatism, có nơi dịch là tối thượng – TT&VH). Sau khi quy các bộ phận thân thể những cô gái và ông già nông dân Nga thành các khối cơ bản như chóp, trụ, cầu, lập phương, tam giác… ông đi tới bức hình vuông, trong hình vuông chẳng có gì ngoài một hình vuông xám trong hình vuông trắng của khung vải vẽ.

     Song song với Malevich ở Tây Âu có Mondrian đi từ triết xuất hình cây táo xum xuê, rườm rà thành các sơ đồ hình học, chỉ còn các nét tung, hoành và chéo, chia mặt tranh thành các hình vuông, chữ nhật và tam giác trong ba màu cơ bản: đỏ, vàng, lơ. Trừu tượng hình học đi tới tối giản về ngôn ngữ và triết lý. Nó gần như trùng với quan niệm thế giới được người họa sĩ thiền Nhật Bản là Sengai (thế kỷ 18) trong bức tranh chỉ có ba hình vuông, tròn, tam giác. Nó cũng không xa các thể hiện ngũ hành của Trung Hoa với ba màu vàng (trung tâm của hoàng đế), đỏ (Đông-mọi), lục (Nam-man), đen (Tây-rợ) và trắng (Bắc-di)…!

     Không thể phủ nhận rằng lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa trừu tượng đã trở thành nền tảng cho mỹ thuật hiện đại nói chung mà nơi ứng dụng nó triệt để nhất là design (thiết kế) và kiến trúc. Ngôi nhà chọc trời hình hộp đầu tiên bằng kính, bê tông, thép với các đường tung và hoành của Mies Van der Rohe (1951) là bức trừu tượng khổng lồ sẽ kéo theo cả “đàn khủng long kính thép” vô cảm sẽ xâm chiếm toàn bộ các đô thị hiện đại! Trong mọi đồ vật ta dùng hôm nay từ cái bút, cái ghế tới máy móc, xe hơi, thời trang… đều có dấu vết cây đũa điều khiển của lý thuyết trừu tượng.

     Từ những năm 1960 sự “thống trị hà khắc” chủ nghĩa quốc tế và sự duy lý vô cảm của trừu tượng đã bị lên án. Lúc đó tại Mỹ xuất hiện phái “trường màu” (Colorfield) chỉ dùng các mảng màu thuần túy và đặc biệt mạnh là phái biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) khởi từ các bức tranh vẽ theo kiểu rắc màu và hành động ngẫu hứng- (Action painting). J.Pollock là người hùng tiền phong, chủ soái của phái này và cũng là biểu tượng đưa Mỹ lên vị trí cầm đầu nghệ thuật phương Tây cho tới gần đây.

     Ngày nay trừu tượng phổ biến khắp thế giới. Hầu như họa sĩ, nhà điêu khắc nào, ở đâu cũng có lúc vẽ trừu tượng và chỉ ở các trường mỹ thuật rất lạc hậu thì các lý luận nền tảng của nó mới không được giảng dạy. Loại tác phẩm bán trừu tượng (semiabstract) còn phổ biến hơn. Nó tạo dư địa rộng lớn giữa cái có hình và không hình, mô tả một cách ám chỉ, nơi chơi đùa giữa các yếu tố tạo hình thuần túy và các ám ảnh tâm lý hay các hình thể tượng trưng.

     Bới tung nền tảng cũ, xây đắp nền móng mới trừu tượng đồng thời mở rộng biên giới của sáng tạo thị giác như một thể loại mới.

     100 năm trừu tượng có lẽ đã kết thúc một vòng đời: từ tiên phong tới cổ điển.

Khái niệm trừu tượng

“Nghệ thuật trừu tượng có thể được dùng theo nghĩa rộng nhất để chỉ bất cứ nghệ thuật nào không thể hiện những đối tượng dễ nhận biết (thí dụ như nghệ thuật trang trí), nhưng thường được dùng nhiều nhất cho các hình thức nghệ thuật của thế kỷ 20, trong đó quan niệm nghệ thuật truyền thống châu Âu, như sự mô phỏng thiên nhiên chẳng hạn, bị gạt bỏ. Mặc dầu nghệ thuật trừu tượng hiện đại đã phát triển trong rất nhiều phong trào và “chủ nghĩa”, ta có thể nhận thấy 3 khuynh hướng cơ bản, trong đó: 1) giảm bộ mặt thiên nhiên tới mức tối thiểu, nghĩa là những hình thức được đơn giản hóa triệt để, điển hình là tác phẩm của Brancusi; 2) xây dựng đối tượng nghệ thuật từ những hình thức phi biểu hình cơ bản, như trong các phù điêu của Ben Nicholson; 3) sự diễn đạt “tự do” theo ngẫu hứng, như trong hội họa động tác (action painting)”, theo Từ điển mỹ thuật (NXB Văn hóa thông tin, 3/1998) do Lê Thanh Lộc biên soạn.

“Hội họa trừu tượng, trải qua nhiều bước thăng trầm kể từ khi ra đời, có thể được phân ra làm ba giai đoạn chính: giai đoạn đầu (1908- 1920) với một số họa sĩ có thể đếm trên đầu ngón tay, phong cách trừu tượng hình học thuần túy, có: Mondrian, Theo Van Doesburg, Malevitch, Albers...; phong cách biểu tượng trừu tượng, có : Kandinsky, Franz Marc; phong cách lập thể trừu tượng, có: Fernand Léger, Delaunay, Marcel Duchamp...; phong cách vị lai trừu tượng, có nhóm các họa sĩ Ý: Umberto Boccioni, Severini, Balla...; chuyển từ ấn tượng sang trừu tượng, có nhóm các hoạ sĩ người Nga: Michel Larionov, Natalia Gontcharova… Kịp đến những năm sau đại chiến thứ hai, ở Mỹ và Âu châu, mới lại có một sự nở rộ của hội họa trừu tượng với những tên tuổi mới, như : Jackson Pollock, với phong cách dripping, Frank Kline, Rothko, Reinhardt... (Mỹ) và Hartung, Soulages, Vedova... (Âu châu). Trong nền hội họa trừu tượng đương đại, có thể phân biệt được nhiều xu hướng và nhiều phong cách, nhưng nhìn chung, vẫn là xuất xứ từ những phong cách kể trên. Có điều, bên trong các phong cách đó, người ta phân biệt được thêm hai xu hướng chính, có thể coi như hai đối cực: đó là xu hướng thiên về nhịp điệu, và xu hướng thiên về ký hiệu”, trích trong bài 100 năm hội hoạ trừu tượng của Văn Ngọc.

2. Trừu tượng.vn@...

     Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 tại Hà Nội bởi V.Tardieu, đồng liêu của H.Matisse, một chủ soái của modernism thì cuộc chiến giữa nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật hàn lâm đã im tiếng súng. Modernism đã ca khúc khải hoàn. Tuy nhiên nhịp giao thoa của mỹ thuật ViệtNamvới các trào lưu phương Tây thường chậm khoảng nửa thế kỷ.

     Ở trường Mỹ thuật Đông Dương các nghệ sĩ Việt thực hành các nguyên lý hàn lâm cổ điển châu Âu và những người tiên phong nhất chỉ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng có từ 1870.

     Với các môn nghệ thuật đương đại đang nở rộ ở ta hiện nay ta cũng thấy rõ sự lỗi nhịp nửa thế kỷ như vậy, nếu tính từ các tác phẩm của J.Beuy những năm 1960. Với tranh trừu tượng cũng không khác. Kể từ khi nó ra đời thì 50 năm sau những con sóng đại dương trừu tượng mới vỗ bờ ViệtNam. Chẳng có gì phải mắc cỡ vì đó không phải là một quy luật “lỗi nhịp định mệnh” nào mà chỉ là chuyện phổ biến ở nhiều nước đang phát triển – “ngoại biên” trên thế giới trong tiến trình tiếp biến nghệ thuật kiểu Eurocentric - lấy châu Âu (phương Tây) làm trung tâm - của một thế kỷ qua. Tình hình hiện nay đã khác, có cơ khác đi, do toàn cầu hóa và truyền thông. Các nghệ sĩ đương đại (contemporary) trẻ của chúng ta đang dàn hàng ngang cùng các đồng nghiệp quốc tế. Họ không bị chậm chân, họ mất đi sự chỉ lối của các bậc thầy cùng áp lực của các kiệt tác nhưng họ lại phải/được chịu áp lực của đồng đại.

Tác phẩm Ánh sáng, 90x90cm, tổng hợp, 2008, của Nguyễn Tấn Cương

     Giới chuyên môn cho rằng Tạ Tỵ, một sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là người đầu tiên vẽ và bày trừu tượng vào năm 1952. Một số bức của ông đơn giản đến bất ngờ. Nguyễn Gia Trí có bức trừu tượng sơn mài, có lẽ là lớn nhất Việt Nam, treo trong Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, với các mảng màu sơn mài lộng lẫy và những nhát bút to khỏe khác hẳn những nét mềm mại điệu đà trong các tranh thiếu nữ nổi tiếng của mình. Ở miền Bắc XHCN, một thời kỳ trừu tượng bị vào khuôn “nghệ thuật tư bản, suy đồi, nấm độc…” cần cấm đoán và phê phán. Tuy nhiên trong triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Xuân Phái 1984 đã xuất hiện vài bức trừu tượng với tiêu đề là Thể nghiệm. Những tranh này được dẫn dắt bởi các ký họa địa tầng vùng than Quảng Ninh khi họa sĩ đi thực tế ở đó. Loạt tranh giấy khoảng 30 bức của ông sau đó đã gần như dứt hẳn mối dây nhợ nối với các đối vật cụ thể. Trong các học sinh khóa kháng chiến, Lưu Công Nhân khi vào miền Namđã thể nghiệm trừu tượng biểu hiện khá mạnh mẽ để sau đó ông từ bỏ nó và khuyên lớp trẻ không nên đi vào ngõ cụt này! Trần Lưu Hậu có lẽ là người vẽ trừu tượng lâu bền nhất và tất cả các loạt sáng tác đầy chất duy sắc và biểu hiện của ông đều có thể coi là bán trừu tượng. Tòa nhà bảy tầng “xưởng họa” của ông ở Hà Nội có lẽ là nơi ta có thể xem nhiều tranh trừu tượng nhất của một họa sĩ Việt Nam.

     Cuối những năm 1980 một nhóm 10 họa sĩ TP.HCM đã bày các triển lãm trừu tượng quy mô. Và triển lãm trừu tượng toàn quốc do phòng tranh Hồng Hạc tổ chức tại TP.HCM năm 1992, quy tụ trên 40 nghệ sĩ cả nước đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của trừu tượng ViệtNam. Nó cũng là một cột mốc đánh dấu sự “toàn thắng” về thẩm mỹ của nghệ thuật đổi mới trong hoàn cảnh còn nhùng nhằng giữa bảo thủ và tiên phong, giữa bao cấp và độc lập, giữa thị trường hóa, toàn cầu hóa, chuyên nghiệp hóa và phong trào, địa phương, nghiệp dư và tuyên truyền theo kiểu cũ đến tận hôm nay.

Tác phẩm Đông phương, 115x130cm, sơn dầu, 2000, của Đỗ Hoàng Tường.

     Nguyễn Trung có lẽ là “tay cự phách nhất”, người triệt để và thành công nhất với sự hấp thu các thành quả trừu tượng cổ điển quốc tế và những xúc cảm quê hương, nhân tình chân thực. Trần Văn Thảo, Hoàng Tường, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Lê Thánh Thư… ở miền Nam; Trương Bé, Võ Xuân Huy… ở miền Trung; Đỗ Minh Tâm, Bích Thủy, Phạm An Hải, Lê Anh Quân… và rất nhiều họa sĩ trẻ khác đang làm cho “tranh trừu tượng Việt Nam” trở thành một đề tài nghiên cứu và đối tượng sưu tầm thú vị.

     Khoảng một thập niên trở lại đây, cũng như các làn sóng khác của nghệ thuật đổi mới trừu tượng có phần bị thương mại hóa, hời hợt và đơn điệu, sa vào kiểu cách hoặc kỹ thuật tủn mủn. Đô thị mọc lên cung cấp hàng triệu m2 tường cần trang trí, các tòa nhà, văn phòng, khách sạn, khu giải trí... cao cấp và lớp mới giàu đang trưởng giả hóa cung cấp một thị trường tuy nhỏ lẻ nhưng hấp dẫn cho các loại tác phẩm - có tính chất chức năng mỹ phẩm (hơn là thẩm mỹ). Các thứ nghệ thuật ngụy tạo, trong đó có trừu tượng thương mại trở thành bên cung ứng dễ kiếm tiền ở thị trường này.

     Đời sống nghệ thuật có chiều đồng đại, song giá trị nghệ thuật lại phi thời gian không có chậm trễ, lạc hậu hay tiến bộ, hiện đại… Thời gian sẽ lọc lại cho ta những thành tựu đích thực của truutuong.vn@... để tâm sự và tự hào.

Ông “tổ” tranh trừu tượng Việt Nam

Tạ Tỵ (1922-2004, thực chất ông sinh năm Tân Dậu - 1921), tên thật là Tạ Văn Tỵ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn. Năm 1951 ông thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên với 60 bức tranh tại Hà Nội. Năm 1956, triển lãm hơn 60 bức tranh tại Sài Gòn, có nhiều tranh lập thể. Năm 1961, triển lãm 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn. Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng nghệ thuật ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris…

“… Vào năm 1956, Tạ Tỵ tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân ở Sài Gòn. Đây là cuộc triển lãm hội họa lập thể đầu tiên tại miền Nam. Tạ Tỵ là một họa sĩ làm việc cần mẫn và có kế hoạch. Ông hoạch định cho mình triển lãm cá nhân 5 năm một lần, mỗi triển lãm có khoảng 60 bức tranh. Rất tiếc, tác phẩm của ông triển lãm trong năm 1956 chưa được tìm thấy nhiều trên thị trường.

Tuy nhiên có thể nói Tạ Tỵ đã tìm ra một phong cách cho mình và tiếp tục con đường đó. Từ 1960 Tạ Tỵ chuyển hướng sang tranh trừu tượng. Vào tháng Một năm 1961, ông tổ chức một triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Cuộc triển lãm năm l961 được ghi nhận bởi nhiều tư liệu. Đề cập đến những họa phẩm mới của nhà danh họa, báo Sáng dội miền Nam giới thiệu: “Tạ Tỵ là một họa sĩ có cá tính đặc biệt trong ngành hội họa. Những tác phẩm của họa sĩ đều mang sắc thái tiến bộ. Tạ Tỵ là một trong những người có công xây dựng một nền hội họa mới Việt Nam”. Trong cuộc triển lãm này, một số tác phẩm được in và giới thiệu trong một số báo. Nhịp thời gian (1959, 75x56cm), Nhạc Calypso (1960, 80x80cm), Màu thời gian (1960, 95x180cm) cho thấy những cấu trúc hình học của giai đoạn lập thể bước hẳn sang trừu tượng với sự nhấn mạnh vào tiết tấu và sự khúc chiết của bố cục. Nhiều họa sĩ Sài Gòn sau này đã nhận xét tranh của Tạ Tỵ “quá lý trí”, điều không thường xảy ra với người Việt Nam, vốn quen với cảm tính nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là Tạ Tỵ đã bước ra khỏi quỹ đạo của kinh viện và vạch ra một con đường cho chính mình và cho những khám phá sau đó. Sự tách rời sáng tác mỹ thuật với chủ nghĩa tân cổ điển mà Trường Cao đẳng Mỹ thuật cổ xúy, đại diện cho phong cách này là họa sĩ Lê Văn Đệ, người sáng lập và hiệu trưởng (từ 1954-1966) của trường là một điều lành mạnh trong hội họa Sài Gòn mà Hà Nội trong cùng giai đoạn không hề có. Loạt bài phỏng vấn khoảng 40 họa sĩ của Nguyễn Ngu Í đăng trên báo Bách khoa trong năm 1962 cho thấy sự đối lập của hàn lâm với trừu tượng”, trích từ bài Tạ Tỵ (1922 - 2004) - Người tiên phong trong mỹ thuật Việt Nam của nhà nghiên cứu mỹ thuật Bội Trân.