NGHỆ THUẬT ĐỨNG VỀ PHÍA TRƯỚC MẮT


Bửu Chi

 

Họa sĩ Bửu Chỉ


     Đầu năm 1997, khi mới chuyển về công tác tại Đài Truyền hình Huế, tôi có ý định làm một phim tài liệu nghệ thuật về hoạ sĩ Bửu Chỉ. Sau nhiều lần từ chối, họa sĩ Bửu Chỉ đã đồng ý giúp tôi việc này. Ngày 25-2-97, tôi gửi anh 7 câu hỏi nhằm có thêm tư liệu để lên đề cương kịch bản phim. Hơn 20 ngày sau, anh chuyển cho tôi một thếp giấy vở học trò gồm 13 tờ do tự tay anh viết xong, đề ngày 16-3-1997. Vì nhiều lý do, phim chưa làm được, tôi gửi trả anh các tư liệu đã mượn, riêng bài trả lời phỏng vấn, anh nói tôi hãy giữ làm kỷ niệm về một dự định bất thành.

        Với tất cả tấm lòng thương quý và kính mến một người Anh, xin được giới thiệu bài trả lời phỏng vấn   của Anh mà tôi xem như là những trang di cảo về CUỘC ĐỜI VÀ NGHỆ THUẬT.
                                               

        ĐẠI DƯƠNG

* Anh đến với hội hoạ từ khi nào?Tình cờ hay bởi một lý do nào khác?Quá trình tự học để trở thành một hoạ sĩ?

*Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Thật ra tôi đã ham mê hội họa từ thời còn nhỏ. Từ 5,6 tuổi tôi đã hí hoáy vẽ, và vẽ rất nhiều. Đó là tranh thiếu nhi. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ như hôm nay thì là một điều khác. Điều này đòi hỏi một niềm đam mê thực sự, một sự làm việc có phương pháp và bền bỉ. Và một cái gì đó có tính cách "thiên bẩm"; cái tính thiên bẩm này không chỉ nói riêng về tài năng, mà là mình cảm thấy từ trong sâu xa của bản thân mình rằng hội hoạ sẽ chính là cuộc đời mình, sẽ là cái ngôn ngữ để mình bày tỏ và sống với mọi người. Như thế tôi thật sự đi vào hội hoạ, dấn thân vào cái nghiệp của mình kể từ khi kết thúc cái tuổi thiếu nhi, đó là năm 16 tuổi. Và tôi đã tự học hội hoạ.


     Học xong bậc trung học, tôi theo đại học Luật khoa Huế và tốt nghiệp luật khoa vào năm 1971. Song song với cái gọi là "học chữ", tôi không ngừng tự rèn luyện mình về hội hoạ. Học luật là để làm yên lòng cha mẹ tôi về một tương lai được bảo đảm; nhưng tự học hội hoạ là tôi đang âm thầm tự định hướng cuộc đời mình. Và ước nguyện của tôi bây giờ đã thành sự thật.

     Tự học hội họa, đây là cả một thử thách đối với chính bản thân tôi. Tự học khó, và gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng như tôi đã nói, điều có thể giúp mình đi đến cùng là lòng ham mê nghệ thuật. Lòng ham mê này không chỉ được hiểu là thích mà thôi, mà nó bao hàm một nung nấu, đun đẩy mà trời dành cho mình. Thầy của người tự học là cuộc sống, là bạn bè, là những người đi trước. Cái chữ "thầy" này có ý nghĩa tự do hơn là ông thầy ở trường. Vì thế mà tôi không thích trường ốc. Theo quan niệm của tôi "thầy" chỉ giúp cho mình có kỹ thuật ban đầu; nhưng thầy không thể giúp mình làm nghệ thuật. Làm nghệ thuật đòi hỏi một cái nhìn, một quan niệm riêng về ngôn ngữ tạo hình ở mỗi người. Nghệ thuật cốt ở sự sáng tạo độc đáo, vì thế không thể hình dung từ một khuôn mẫu có trước. Đào tạo từ trường ốc cũng tốt, nhưng khi ra đời có lẽ phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ cái khuôn mẫu này để hình thành cái của chính mình.
Vậy tự học hội hoạ là tự rèn luyện kỹ thuật và đồng thời tự hình thành về một cái nhìn, một cách nhìn, một thái độ sống.

* Những mốc chính trong cuộc đời làm nghệ thuật?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Có nhiều cách để định những cái mốc trong cuộc đời làm nghệ thuật của một người. Riêng tôi, tôi định những cái mốc nghệ thuật của đời mình theo quan niệm rằng: - Nghệ thuật của tôi đã biến chuyển theo từng biến cố quan trọng của đời tôi như thế nào.. Như vậy sẽ có hai mốc chính:
- Từ 1970 - 1974: Đó là những năm tháng mà tôi đã sử dụng được hội hoạ như một thứ ngôn ngữ thực sự. Thời điểm này, tranh tôi là một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi. Tôi đã tham gia như thế vào phong trào học sinh sinh viên ở miền Nam Việt Nam đòi hoà bình, tự do, và quyền dân tộc tự quyết... chống lại chế độ Sài Gòn cũ và can thiệp Mỹ. Tranh của tôi lúc này vẽ bằng mực nho, bút lông, bút sắt. Loại hình nghệ thuật này gọn nhẹ và cơ động, thuận tiện cho hoạt động đấu tranh. Tôi lãnh một án tù 5 năm. 30-4-1975 mới được tự do. Tranh được phổ biến trên khắp thế giới.
- Từ 1975 đến nay: Cũng dựa trên một lương tâm như thế, tôi quay về trăn trở với chính bản thân mình. Có nghĩa là tôi hướng vào những vấn đề thuộc nội tâm tôi. Thời điểm này tôi chuyên vẽ tranh sơn dầu. Tôi thường ưu tư thể hiện về các vấn đề hạnh phúc và đau khổ, sự sống và sự chết...
Nay tôi đã 50 tuổi, ở cái tuổi "Tri thiên mệnh" này tranh tôi càng thiên về các vấn đề tâm linh, về cái hữu thường và vô thường của cuộc sống, về không gian và thời gian...

* Những trường phái hội hoạ trên thế giới, các hoạ sĩ Việt Nam tiên phong đầu thế kỷ 20 đã có ảnh hưởng gì đến quan niệm và sáng tác của anh? Anh tự cho mình thuộc trường phái hoặc xu hướng nào?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Như tôi đã nói ở trên, đối với một hoạ sĩ tự học, mọi người đi trước không kể trong nước hay ngoài nước và không kể thời đại nào đều là thầy của tôi. Nhưng tôi phải luôn luôn tự thấy rõ ràng rằng vấn đề then chốt là chính tôi mới là chủ thể chính yếu, và quan trọng trong sáng tạo của tôi.

     Và cũng từ suy nghĩ như vậy tôi có thể nói rằng tôi có riêng xu hướng nghệ thuật của mình. Xu hướng hay trường phái là quan niệm là chủ trương của một hoạ sĩ, hoặc một nhóm họa sĩ này đối với một hoặc một nhóm hoạ sĩ khác trong vấn đề sáng tạo. Khát vọng sáng tạo là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ; mà đã nói khát vọng là không bao giờ có cái cùng cả. Nếu có cái cùng thì nghệ thuật sẽ chết.
Như vậy theo một người khác thì mình chẳng theo được gì cả.

* Quan niệm của anh về hội hoạ và thiên chức của người hoạ sĩ (nói riêng) và người nghệ sĩ (nói chung)?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Nói về quan niệm hội họa và thiên chức của người họa sĩ nói chung thì thật là không phải và lại mang tiếng dạy đời. Vả lại mỗi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ riêng.
Vậy tôi chỉ nói về quan niệm của tôi:
- Nghệ thuật đứng về "phía nước mắt". Nó phản ảnh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng. Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp; nhưng trước khi là cái đẹp nó phải là cái trung thực. Do đó nghệ thuật mạnh hơn cái tự nhiên là vậy. Tác phẩm nghệ thuật là bản thông điệp về cuộc sống mà người nghệ sĩ gửi đi. Và người thưởng ngoạn sẽ chia sẻ với họ bằng những kinh nghiệm tâm linh của riêng mình. Nhờ thế nghệ thuật sẽ trở nên phong phú hơn, và nó là mối cộng thông giữa nhân loại. Tác phẩm nghệ thuật không có tham vọng nhằm giải quyết gì hết. Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người.

* Là một họa sĩ sống được bằng tiền bán tranh, cảm nhận và suy nghĩ của anh về thị trường hiện nay?
Anh có suy nghĩ gì khi phần lớn tranh của anh đều được tiêu thụ ở ngoài nước? Ngoài nguyên nhân đời sống, thu nhập của người Việt mình chưa cao nên chưa có nhiều người có khả năng tài chính để mua tranh, anh có thể nói gì về nhu cầu và
gout thẩm mỹ của người mình?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Nói về thị trường tranh thì trước hết phải nói về nhu cầu và gout thẩm mỹ. Nói về thị trường tranh thì phải nói về thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.
- Nhu cầu về tranh và gout thẩm mỹ của người trong nước hay người ngoài nước thật ra không có gì phân biệt cả. Dĩ nhiên phải nói trước một điều rằng, một chủ trương, một đường lối, một nền giáo dục thẩm mỹ tốt, sẽ giúp đại chúng hoá được các kiến thức về mỹ thuật. Nhưng nói đến nhu cầu và gout thẩm mỹ thì có cái khác. Kiến thức chỉ giúp cho người ta hiểu nhưng chưa chắc đã khiến cho người ta cần hoặc thích cái này mà không thích cái kia. Thích hay cần còn tuỳ thuộc "tì tạng" của con người này và con người kia. Vì vậy có lẽ phải nói rằng trong nước hay ngoài nước đều có những người có gout thẩm mỹ cao hoặc thấp. Và có những người có gout thẩm mỹ cao, vừa có nhu cầu nghệ thuật cao nhưng lại không có tiền! Và ngược lại! Điều đáng buồn là người có tiền, có nhiều tiền sẽ quyết định thị trường! Nhưng giá trị nghệ thuật lại không phải được quyết định bằng tiền.

      Trong những năm 80 trở lại đây, vấn đề giao lưu với người nước ngoài mở rộng, thị trường tranh trong nước mở rộng. Không riêng gì tôi mà một số hoạ sĩ VN khác cũng bán được tranh và sống bằng tiền bán tranh. Điều này rất đáng mừng mà cũng đáng suy nghĩ: sự kiện này sẽ kích thích việc sáng tạo tranh mà đồng thời cũng kích thích sự thương mại hoá tranh. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải đầy đủ bản lĩnh. Mình làm nghệ thuật mà, người ta mua mới quý. Bán tranh hay cho một người có gout nghệ thuật tốt thú vị hơn cho một kẻ có gout tồi. Vì vậy cần phải biết bán tranh cho ai và không bán cho ai; còn làm nghệ thuật trước hết là làm cho mình. Nguy hiểm nhất là chạy theo thị hiếu vì mình sẽ đánh mất chính mình. Đó là sự vong thân của nghệ thuật.

     Còn đối với người trong nước, sau 75 nhiều năm, người ta mua tranh e dè; nhưng hiện nay số này đã trở nên nhiều hơn, và có cả những nhà sưu tập tranh dần dần có tiếng tăm. Điều này rất đáng mừng và đáng cổ vũ. Vấn đề quan trọng là cần tập tành để trở thành một thói quen tốt trong việc thưởng ngoạn và mua tranh sưu tập trong toàn thể đại chúng.

     Ngoài ra, mặt bằng giá tranh trong nước thấp hơn ở nước ngoài một phần lớn là do giá trị của đồng tiền ở trong nước thấp hơn so với ở ngoài nước. Do đó tranh có khuynh hướng ra nước ngoài hơn là ở lại trong nước. Và trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì anh nghệ sĩ vẫn chịu nhiều thiệt thòi, vì giá bán lại ở nước ngoài còn cao hơn nhiều lần so với giá mua trong nước. Thêm nữa, tôi nghĩ là nước ta cần phải có nhiều chủ galerie có tầm cỡ, nghĩa là có tầm nhìn, có sức năng động, dám nghĩ dám làm, để tranh thương với galerie ngoài nước. Có như thế mới mong khả dĩ bình ổn được trong một mức độ nào đó cái mặt bằng giá cả trong và ngoài nước. Và nhất là giữ lại được cho tài sản quốc gia những tác phẩm của hoạ sĩ Việt Nam có giá trị. Và một vấn đề khác có tầm quan trọng nền tảng cần phải nói ra ở đây là ta cần có những galerie đúng nghĩa có tầm cỡ của ta để giới thiệu, phổ biến vào thế giới một cách sâu rộng nền mỹ thuật của Việt Nam theo sự chủ động của chính mình. Nghệ thuật Việt Nam hiện đã được thế giới dần dần biết đến và yêu thích, trân trọng. Nó có một vai trò, một ý nghĩa, một chỗ đứng riêng trong nền nghệ thuật thế giới. Ví dụ như ngay tại trung tâm Hồng Kông, Galerie Lã Vọng (chủ nhân là người nước ngoài) đã kinh doanh chuyên về mỹ thuật Việt Nam, mà đã đứng vững qua nhiều năm bên cạnh những Galerie tiếng tăm khác có từ lâu đời.
Riêng về mặt này nhà nước sẽ phải đóng một vai trò hết sức quan trọng.

* Nếu lại được sống một cuộc đời khác, nghĩa là anh vừa được sinh ra và ở thời điểm này đang tuổi mười tám đôi mươi, anh sẽ học Luật? Cầm bút vẽ? Hay một lựa chọn nào khác?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Cái gì nói về văn hoá, nói về học thuật thì đều cần yếu cả. Nếu được sống lại một đời khác thì tôi sẽ chọn như tôi đã chọn, tôi sẽ làm như tôi đã làm. Vì tôi yêu lẽ công bằng trong luật pháp như thể tôi yêu cái đẹp trong hội hoạ vậy.

* Một chút tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Nếu phải tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại, hay cuối đời nhìn lại tôi cũng chỉ xin nói có một câu: - Khát vọng nghệ thuật là khát vọng không cùng, nên tôi chẳng bao giờ hài lòng hay thoả mãn về những điều mà mình đã làm được. Và đó cũng là điều may mắn khiến tôi còn làm việc nghĩa là tôi còn được sống. Nếu mai sau còn để lại được cho cuộc đời điều gì dù nhỏ thì đó là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi.

ĐẠI DƯƠNG thực hiện
    Tháng ba 1997
(170/04-03)