Nguyễn Đình Đăng
dịch và tổng hợp
Hỏi: Một hoạ sĩ nổi tiếng nhất thế giới thì giống như thế nào?
Dalí: Tôi không rõ liệu tôi có phải là hoạ sĩ nổi tiếng nhất thế giới hay không bởi vì rất nhiều người xin tôi chữ ký ngoài phố không biết tôi là ca sĩ, ngôi sao điện ảnh, thằng khùng, hay nhà văn, họ không biết tôi là ai.
Hỏi: Ông nghĩ mình đã đóng góp gì cho nghệ thuật?
Dalí: Cho nghệ thuật, không có gì, tuyệt đối không có gì, bởi vì, như tôi thường nói, tôi là một hoạ sĩ rất tồi bởi vì tôi quá thông minh để làm một hoạ sĩ giỏi. Để làm một hoạ sĩ giỏi, bạn phải hơi ngu một tí…
Hỏi: Thế còn cho cuộc đời?
Dalí: … Trừ Velasquez, là thiên tài có tài năng vượt lên trên nghệ thuật của hội hoạ. Còn đối với cuộc đời này tôi mang ơn mọi thứ bởi vì cái ngày mà Dalí vẽ được một bức tranh đẹp như tranh của Velasquez, Vermeer, hay Raphael … hay âm nhạc như Mozart … thì hắn sẽ chết ngay vào tuần tới, vì thế tôi thà vẽ tranh xấu để sống lâu hơn.
*
Các nhà phê bình thường coi tất cả những gì Dalí vẽ sau năm 1944 là vô giá trị, là lặp lại, là thương mại, là kitsch. Tin họ hay không là quyền của mỗi người. Chỉ nên lưu ý rằng, trong lịch sử hội hoạ, các nhà phê bình cũng là những người đã từng chê Caravaggio sao chép tự nhiên, chê Francisco de Zurbarán bắt chước Caravaggio, cười nhạo Edouard Manet, chế giễu thành ra đặt tên cho trào lưu Ấn tượng, v.v. Các nhà phê bình và các chuyên gia về hội họa từng không phân biệt được tranh thật với tranh giả, từng mắc lừa những kẻ chép tranh như Han van Meegeren trong nhiều năm. Thi sĩ và triết gia người Anh Samuel Taylor Coleridge (1772 – 1836) từng nói: “Các nhà phản biện thường là những người từng làm thi sĩ, sử gia, tiểu sử gia, nếu như họ có thể. Họ đã từng thử tài của mình trong việc này hay việc kia, nhưng đều thất bại; vì thế họ quay ra phê bình.” Gần đây một số nhà phê bình lại bắt đầu xét lại các tác phẩm 50 năm cuối đời Dalí, coi ông là một trong các tiền bối của pop-art những năm 1960. Chân dung ngôi sao Hollywood Mae West của Dalí vượt trước chân dung Marylin Monroe của Andy Warhol khoảng 30 năm. Dalí cộng tác với điện ảnh và là một trong những hoạ sĩ đầu tiên bắt tay với TV. Nhiều người Pháp vẫn nhớ Dalí quảng cáo Lanvin chocolate trên TV Pháp với câu nói: “Je suis fou du chocolat Lanvin!” (Tôi điên vì sô-cô-la Lăng-vanh).
Vậy thì vì sao ông bị các nhà phê bình hắt hủi tợn vậy?
Chính trị là một trong những nguyên nhân.
Năm 1948 Dalí hồi hương về Tây Ban Nha, lúc đó đang bị chính thể độc tài phát xít Franco cai trị. Dalí bị phê phán đã bợ đỡ Franco, vẽ chân dung cháu gái Franco để đổi lấy đặc ân được xây bảo tàng các tác phẩm của mình tại Tây Ban Nha. Năm 1975, sau khi Franco ra lệnh hành quyết các nhà cách mạng xứ Basque, Dalí phát biểu trên radio: “Rất tốt. Chúng ta phải giết nhiều bọn chúng hơn.” Đó là lý do vì sao danh tiếng của Dalí bị dính chàm trong những năm cuối đời [1].
Nhưng theo lời kể của đạo diễn điện ảnh Hy Lạp Costas Ferris (sinh năm 1935), người từng gặp Dalí vào năm 1971 – 1972, Dalí nói rằng ông không nói gì chống những nhà cách mạng cánh tả Tây Ban Nha. Song ông nói đảng cộng sản là một tổ chức mafia, và ông căm ghét mafia. Tuy vậy Dalí không ghét Picasso mặc dù Picasso là đảng viên cộng sản. Ngược lại Dalí ngưỡng mộ Picasso và ông rất buồn khi Picasso khinh bỉ ông vì ông về với Franco trong lúc Picasso tuyên bố không trở về Tây Ban Nha chừng nào còn chế độ độc tài Franco. Dalí nói: “Tướng Franco muốn làm bạn với tôi, chỉ vì cạnh tranh, bởi vì Pablo Picasso từ chối cho phép bức Guernica triển lãm tại Barcelona. Nhưng tôi không phải là bạn của Franco. Tôi là bạn của nhà vua tương lai của Tây Ban Nha, Juan Carlos.” [2]