Linh Cao
Chúng tôi đọc qua 6 bài đăng trên Soi, cộng với 1 bài trên Facebook của nhà báo, vẫn chưa thấy được cánh cửa cho các họa sỹ trẻ. Các bạn cần suy ngẫm thêm về 3 vấn đề sau đây:
-
Lý luận trong sáng tác để bước hẳn sang mỹ thuật đương đại
-
Kinh nghiệm tổ chức event chuyên nghiệp
-
Cách xử lý “thông tin không thuận chiều” và “phản ứng xã hội” theo hướng tích cực
Khát vọng tuổi trẻ là cưỡi đầu ngọn sóng. Vậy nên cái mới nhất, khỏe nhất, mốt nhất đang dày vò các họa sỹ trẻ: làm thế nào để đi bằng đôi chân “đương đại – contemporary”? Tranh tượng của các bạn kể từ triển lãm Trẻ mấy năm trước đã được Hội mỹ thuật hậu thuẫn và khuyến khích tiến thẳng vào đương đại. Nhưng từng cá nhân thì chưa được nạp đủ nhiên liệu lý luận thế nào là đương đại, nên vẫn đi loanh quanh Pop-art và không khéo sắp trở lại một dạng Cổ động – propaganda kiểu mới, vốn đã quen tay nhan nhản khắp các cuộc thi kể từ Phillip Moris đến Mỹ thuật toàn quốc, và lẩy bẩy như Cao Biền dậy non trong hầu hết các triển lãm gần đây!
Hãy đọc lại phần hay nhất của chị Ilza Barchett (viết trên Soi về cuốn sách mới in gần đây của Phạm Trung – Bùi Như Hương)
-
“Những dấu hiệu hay thuộc tính của nghệ thuật đương đại cũng chính là sức mạnh của nghệ thuật thị giác hôm nay, có được là do nó sở hữu năng lực cách tân, và khả năng hấp thu không ngừng, cũng như khả năng sử dụng được một khối lượng lớn các kiến thức triết học, lý luận, khoa học và công nghệ, vì nó thường xuyên xử lý những dòng thông tin vô tận thuộc mọi dạng thức”
-
J.Couteu đề cập đến cái “Siêu vấn meta-questioning” – khuynh hướng phê phán, phản ánh, truyền đạt vào hội họa những vấn đề của cá nhân – xã hội – hay mang tính toàn cầu.
Tại sao các cách tân–xử lý– siêu vấn–dạng thức trong tranh tượng của các bạn không thuyết phục được? Tại sao triển lãm của các bạn vẫn bị phê là “shock”, thiếu “tính dân tộc”, thiếu lý tưởng xã hội, lý tưởng nghệ thuật, thiếu sự hoàn thiện về kỹ thuật và tệ hơn là “luôn luôn nhiều hiểu lầm lắm”!?
Từng tác phảm trong triển lãm đã trọn vẹn “nỗ lực chân thành” chưa? Biểu hiện về ngôn ngữ hội họa đã được hoàn thiện để đạt đến độ “tự làm sang mình” chưa? Hay nó vội vàng, non yếu, tăm tối, trơ trẽn và đầy tham vọng nổi trội. Ngày nay, contemporary art không cần các bạn phải có kỹ thuật trau chuốt mãi mấy làn da căng hồng rõ hết cả mạch máu chảy rần rật bên dưới, mà chỉ cần biểu hiện được idea gì qua hình tượng đang “truyền đạt những vấn đề cá nhân–xã hội–toàn cầu” sao cho mạch lạc–tươi mới–chân thành thôi là đủ. Đi dần đến chuyên nghiệp, khi cái tạo hình ấy đã cứng cáp, có ngôn ngữ riêng, chúng ta mới phủ lên lớp vỏ bọc giễu nhại–tiếp đoạt–siêu vấn và xây dựng sức mạnh phê phán–dự đoán– giáo dục bằng các tín hiệu đã được khẳng định, tiến đến đưa hình tượng này bước ra ngoài đời thực…, lúc đó nó mới có sự hiện diện thành công và được số đông nuôi dưỡng tiếp trong thế giới ảo là chế độ được tương tác bằng sức mạnh ghê gớm của truyền thông.
Vậy, tóm lại, chúng ta phải đẩy tiếp phần biểu hiện trong tác phẩm của mỗi người. Vẽ cái gì? Vẽ như thế nào? Và vẽ để làm gì? Vẫn là cơ bản. Hãy tự hỏi tại sao contemporary lại được gọi là “cú lừa ngoạn mục” của thế kỷ? Tại sao tác phẩm đương đại lại đắt một cách phi lý như thế? Cỗ máy truyền thông và vai trò giật dây của các đầu nậu chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị trong cái đắt ấy? Các nghệ sỹ đương đại nổi tiếng làm theo đơn đặt hàng của ai? Đối tượng nào tiêu xài contemporary? Ai đang bày gà khỏa thân với nữ thân tự do kéo khóa mồm của Lê Quảng Hà? Ông vua trên mặc áo chầu, dưới bận quần đùi, mắt đen kính đen của Hà Mạnh Thắng đang show ở đâu? Những chân dung bợt bạt, to phềnh như ngâm phoc-môn của anh Quý Tông đang ngự nơi nao? Đứa hài nhi cầm súng, dây rốn lòng thòng của anh Thông sẽ được chĩa vào mặt ai nào?
Trước khi là con gà đẻ ra những quả trứng siêu lạ ấy ta nên tiến thẳng đến và ngắm kĩ sản phẩm kèm chân dung của những gà khác. Mấy câu hỏi quan trọng nhất cần tự vấn:
-
Ta có tư chất và kĩ năng để làm được kiểu này không?
-
Khả năng va đập, tương tác với thế giới của ta thế nào?
-
Con đường này là duy nhất, hay ta vẫn có thể hạnh phúc với những lối đi khác?
Nên làm những gì đúng với cơ địa và phẩm chất riêng có, càng cố sẽ càng lố bịch, như mặc cái áo không vừa. Mà bản chất của mỹ thuật thì như nhiên, trẻ thơ nguệch ngoạc vẽ nặn cũng đẹp. Một bức phác thảo chì chất phác vẽ nhõn bụi chuối đầy đủ lá xanh lá úa, mầm nhỏ củ to, thêm dăm em vịt thơ thẩn kiếm ăn bên mấy lon Pepsi, mà được chăm chút kỹ lưỡng, vẽ thật tâm thật lòng… sẽ còn lay động mạnh hơn cả tấm toan khổng lồ đắp dày bự tốn kém mà chẳng gây ép-phê cho ai. Cả triệu người đang muốn xem thứ art đúng với dân Việt Nam, tính theo tỉ lệ trên dưới 1% dân số, thị phần của các họa sỹ trẻ quá lớn mà chúng ta chưa biết khai thác. Chúng tôi không hô hào để kéo tụt các bạn lại thời lạc hậu, mà muốn các bạn nhìn rõ hiện thực để sống và làm nghệ thuật hiện sinh hơn.
Về event (triển lãm của câu lạc bộ Trẻ), các bạn vẫn mắc phải những thiếu sót không đáng có:
-
Không mời người viết bài giới thiệu, đặt tên và viết thông cáo báo chí cẩn thận, có cân nhắc về sự phù hợp trong từng event
-
Treo mi trình bày còn cẩu thả và tên tranh thiếu tiếng Anh
-
Tuyển chọn tranh là khâu quan trọng thì lại để anh em tự mang đến, thiếu curator
-
Không cắt cử người thường trực triển lãm để nghe tương tác và bán tác phẩm
-
Những tranh có xu hướng đương đại lần này treo riêng một phòng sẽ hiệu quả và đẹp hơn hẳn, thì lại lẫn lộn với những tranh mang “cái nhìn cuối thế kỷ 19” làm cho chính những bức chân phương cũng bị ảnh hưởng. Triển lãm có 2 tầng, có thể treo 2 phòng theo 2 phòng cách tách biệt hẳn nhau, xem dễ chịu hơn
-
Không có góc phác thảo hoặc tranh đề tay cực nhỏ để tạo không khí làm việc
-
Không làm buổi preview trước khi khai mạc và ngay sau buổi gặp Hội đồng nghệ thuật. Có thể kết hợp luôn vào buổi nghe ý kiến của Hội đồng nghệ thuật, mời công khai báo đài. Thì khi ra mắt sẽ điều tiết được thông tin và dư luận
Như thế, câu lạc bộ cần có nhóm tình nguyện viên để tổ chức sự kiện sao cho chu đáo, một mình anh Hoàng Duy Vàng không thể lo hết được. Các bạn nên mạnh dạn mời cố vấn trong mọi vấn đề, đó là cái hay của nghệ sỹ trẻ: quyền được giúp đỡ – che chở – tài trợ – bảo trợ – bao bọc…
Truyền thông không phải ban giám khảo cần lắng nghe hay khách hàng phải cung phụng. Khen hay chê cũng đều là một dạng PR cho chúng ta. Các bạn thừa biết tất cả các Nhóm, Group, Gang và thậm chí là Trung tâm đương đại, các Studio, các Gallery của chúng ta đều sôi sục bồng bột một thời gian, rồi sau tự biến mất, tan rã hoặc chia tay! Thị trường mỹ thuật của chúng ta thiếu cái nền móng cơ bản chuẩn mực và thừa những vặt vẹo giả ảo ngô nghê. Truyền thông khi đã không ủng hộ lại còn chê bai ném đá sẽ gây ra tâm lý mặc cảm tự ti làm nghệ sỹ nản lòng. Ý chí của nghệ sỹ trẻ cũng mong manh và bốc đồng lắm, nên tốt nhất các bạn cứ xác định trước 3 điều chắc chắn phải đối mặt:
-
Sẽ bị chê
-
Sẽ không bán được
-
Sẽ phải tiếp tục sáng tạo để vượt qua tất cả
Truyền thông rất giống nơi để trút ra bớt những ẩn ức của xã hội. Nghệ thuật và nghệ sỹ đích thực vẫn là thứ xa xỉ sang quý không dễ gì tiếp cận. Đa phần nghệ sỹ còn chưa hiểu, chưa có nghệ thuật trong người đủ để tái sản xuất ra tác phẩm, mong gì đến số đông có thể thấu hiểu chia sẻ nuôi nấng tung hô?!
Vậy đó, câu chuyện lại vẫn phải trông mong vào những cá nhân ưu tú và tỉnh táo. Một đoàn thể nhưng câu lạc bộ họa sỹ trẻ nếu được nhiều cá nhân ưu tú, thì dưới sự bảo trợ của Hội mỹ thuật Việt Nam, nó vẫn đầy đủ uy thế chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Các bạn hãy làm tiếp thật tốt công việc của mình, chúng tôi trông cậy nhiều ở các bạn.
Linh Cao
1. 4. 2013